Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ảnh hưởng biến động tỉ giá

Thứ ba - 25/10/2022 10:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Từ đầu năm đến nay, biến động tỷ giá tại các quốc gia trên thế giới, nhất là những thị trường xuất, nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam liên tục có những thay đổi. Các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm mạnh so với đồng USD, điều này có những tác động bất lợi nhất định đến các doanh nghiệp (DN) tham gia xuất, nhập khẩu.
Biến động tỷ giá đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu (ảnh minh họa)
Biến động tỷ giá đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu (ảnh minh họa)

Cùng với biến động tỷ giá, những khó khăn từ sụt giảm nhu cầu tiêu thụ, ảnh hưởng bởi xung đột, lạm phát gia tăng trên toàn cầu cũng gây thêm khó khăn cho DN, thậm chí có thể khó khăn hơn so với thời kỳ dịch bệnh còn phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Tại thị trường xuất khẩu quan trọng là Nhật Bản, các DN xuất khẩu sang Nhật không những gặp khó khăn về tỷ giá mà các nhà nhập khẩu của Nhật còn có xu hướng giảm số lượng nhập do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng của người dân giảm sút, giá cả hàng hóa đắt hơn khi đồng Yên mất giá kỷ lục so với đồng USD sau 24 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất khẩu của DN trong nước.
 
Tương tự là tại các thị trường khác như Âu, Mỹ... Đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, khiến lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ đồng Việt Nam mà các đồng tiền khác cũng đều yếu đi so với USD. Phần lớn các giao dịch xuất khẩu của DN là giao dịch bằng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi đồng USD tăng giá nhưng ngược lại, để có hàng xuất khẩu thì DN cũng phải nhập nguyên, phụ liệu. Khi USD tăng giá thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Trong số đó, ngành gỗ xuất khẩu là bị ảnh hưởng hơn cả.

Tìm đường hạn chế ảnh hưởng
 
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 9, tình hình xuất khẩu một số DN có khởi sắc hơn so với tháng trước (tăng 0,66%) do là tháng cuối quý nên nhiều DN tập trung xuất khẩu các đơn hàng trong quý đã ký kết từ trước đó. Hiện là quý cuối cùng trong năm. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn khi các DN vào cao điểm sản xuất hàng cuối năm. Những biến động liên tục của tỷ giá sẽ gây ra nhiều khó khăn cho DN hơn. Bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho xuất khẩu là triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt dần chi tiêu.
 
Để hạn chế các tiêu cực của việc biến động tỷ giá cũng như các khó khăn khác, theo các chuyên gia thì DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần quan tâm theo dõi biến động, cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh và xung đột, chiến sự... Điều này rất quan trọng bởi từ những dữ liệu ấy có thể giúp DN điều chỉnh tốt hơn, lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu ít bị biến động nhất, đồng thời đa dạng hóa phương thức thanh toán, kết hợp với các đơn vị có uy tín để tránh gặp bất lợi. Bên cạnh đó, với các DN nhập khẩu thì cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhất là tìm kiếm các sản phẩm nội địa, giảm bớt chi phí từ nhập khẩu.
 
Một giải pháp nữa là tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước hơn. Đối với ngành gỗ, mùa cuối năm thị trường đồ gỗ trong nước sẽ có những sôi động hơn. Đây cũng là một trong những cơ hội để các đơn vị không chỉ gia tăng doanh số bán hàng nội địa mà còn có thể tìm cách hợp tác, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải.

Tác giả: Nam Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây