(CTT-Đồng Nai) - Mất việc, nhiều người lao động (NLĐ) gặp khó khăn.
Để tránh tình trạng NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần.
.

Được nhận lương hưu là hạnh phúc của ngưởi lao động sau khi hết tuổi lao động, nhưng nhiều người do thất việc, thu nhập giảm nên đã phải rút BHXH một lần
Được nhận lương hưu là hạnh phúc của ngưởi lao động sau khi hết tuổi lao động, nhưng nhiều người do thất việc, thu nhập giảm nên đã phải rút BHXH một lần
* Đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần
Quy định về hưởng BHXH một lần là một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 lần này. Việc tìm phương án tối ưu nhằm tháo vỡ những vướng mắc hiện nay cho NLĐ khi gặp khó khăn, đồng thời vừa bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ.
Trong đề xuất, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan rút BHXH một lần được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 70 Luật BHXH (sửa đổi). Cụ thể phương án 1: Quy định hưởng BHXH một lần với 2 nhóm NLĐ khác nhau. Nhóm 1, đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được rút một lần. Nhóm 2, đối với NLĐ bắt đầu tham gia từ khi Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến là ngày 1-7-2025) không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng BHXH 1 lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng (theo Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Theo nhận định của Chính phủ, phương án 2 ưu điểm hơn phương án 1 là đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Phương án 2 hài hòa quyền lợi trước mắt của NLĐ và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Bởi, mặc dù số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi NLĐ hưởng cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống BHXH do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại nên không ảnh hưởng tới số người tham gia.
* Ý kiến xung quanh vấn đề rút BHXH
Những thay đổi quy định về BHXH là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, bởi tác động đến hàng triệu NLĐ trong cả nước. Đây cũng là vấn đề dễ gây phản ứng ở NLĐ.
Chị Trần Thị Vinh Hoa, phụ trách công tác nhân sự tại một công ty ở khu công nghiệp Sông Mây cho rằng, tôi đã đọc các phương án mà Bộ LĐ-TBXH đề xuất lên Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội thì thấy cả 2 phương án đều chưa ổn.
Theo chị Hoa, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Điều này sẽ tạo ra làn sóng NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần trước thời hạn Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1-7-2025). Còn ở phương án 2 cho rút 50% cũng không hợp lý. “Tiền đóng BHXH là của NLĐ và họ có quyền rút hay để. Nếu không cho rút hết một lần như hiện nay thì nên cho NLĐ rút phần mà bản thân NLĐ đã tham gia đóng, còn phần của doanh nghiệp đóng thì giữ lại để dành cho hưu trí sau này” - chị Hoa cho biết.
Cũng theo ý kiến của một số người từng am hiểu pháp luật cho rằng, nếu đề xuất phương án cho phép rút 50% thì cần phải giải thích rõ: 50% phần giữ lại được quản lý, sử dụng thế nào? Quyền lợi của NLĐ trong trường hợp này được bảo đảm ra sao? Nếu NLĐ không tiếp tục tham gia BHXH thì 50% này có được trả tiếp hay không? Còn tiếp tục tham gia thì phần đóng tiếp nối sẽ như thế nào?
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, quan điểm của Đảng là BHXH toàn dân nhằm giảm gánh nặng cho Nhà nước trong tương lai. Bởi nếu để cho NLĐ rời mạng lưới an sinh xã hội thì trong tương lai sẽ rất khó khăn khi NLĐ hết tuổi lao động, hay bị bệnh nhưng lại không có lương hưu, không có BHYT sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Theo ông Phạm Minh Thành, hiện không có một quốc gia nào cho NLĐ rút BHXH một lần, tất cả đều phải để đến khi về hưu. Do đó, cần phải khuyến khích NLĐ tham gia và đóng BHXH, chỉ những trường hợp đi định cư ở nước ngoài hay xác định bị bệnh nan y thì mới cho rút BHXH một lần. Còn NLĐ bình thường khi cần giải quyết những khó khăn chính đáng thì vẫn sẽ cho họ rút theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng”.
“Tôi đồng thuận với phương án cho NLĐ được rút phần mình đóng, còn phần doanh nghiệp đóng sẽ không được rút, để khi hết tuổi lao động, nếu NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu bình thường thì khoản đóng của doanh nghiệp sẽ dùng để chi trả lương hưu xã hội cho NLĐ. Và đi cùng với đó cần phải hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 70 tuổi để NLĐ hết tuổi làm việc sớm được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, không cần phải chờ đến tận 18 và 20 năm cho đủ 80 tuổi để được nhận khoản trợ cấp này” - ông Thành nói.