Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Còn bất cập

Thứ hai - 22/01/2024 09:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chính sách an sinh xã hội, là công cụ quan trọng của chính sách thị trường lao động, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm. Tuy nhiên, chính sách này hiện còn những bất cập, gây thiệt thòi cho NLĐ.

Người lao động đến trụ sở Bảo hiểm xã hội để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp
Người lao động đến trụ sở Bảo hiểm xã hội để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp

* Còn nhiều bất cập

BHTN là một chính sách an sinh cần thiết nhằm hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn khi bị mất việc mà chưa kiếm được việc làm mới.

Khoản 4, Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 nêu rõ, chế độ BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ BHTN. Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHTN còn gắn kết người thất nghiệp với thị trường lao động như: đào tạo, đào tạo lại, môi giới việc làm, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ kinh tế. Thế nhưng, Luật Việc làm vẫn còn nhiều lỗ hổng, bất cập.

Từ thực tế cho thấy, trong quy định về đối tượng tham gia BHTN, Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 quy định, chỉ những NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giao kết các loại hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động mới là đối tượng của BHTN. Trong khi đó, thị trường lao động đang còn nhiều NLĐ làm việc có giao kết HĐLĐ dưới 3 tháng, thời hạn đứt quãng hoặc theo thỏa thuận, không có hợp đồng chính thức…

Ngoài ra, một số quy định hiện hành khác của BHTN cũng đang gây khó cho người lao động. Chẳng hạn, quy định về điều kiện hưởng BHTN, theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, một trong những điều kiện để NLĐ thất nghiệp được hưởng BHTN đó là NLĐ đang đóng BHXH bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa chỉ NLĐ đang đóng BHTN có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận mới được nhận BHTN, trong khi đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang nợ đọng BHXH hoặc phá sản khiến không ít NLĐ mất việc, không được trả lương mà cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đáp ứng điều kiện hưởng BHTN là người đang đóng BHTN, là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ đã đóng BHTN…, trong khi lỗi này không phải từ NLĐ.

Cũng qua tìm hiểu cho thấy, có một bất cập khác là mức đóng hưởng BHTN. Pháp luật về BHTN quy định mức đóng BHTN dựa trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng theo HĐLĐ. Song quy định này còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều trường hợp NLĐ và NLĐ thỏa thuận kê khai mức đóng BHTN thấp hơn mức thực tế. Đây là hành vi không trung thực, không đảm bảo tính công bằng trong quyền lợi của tất cả NLĐ cùng tham gia.

* Cần sớm hoàn thiện quy định BHTN

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: “BHTN là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng đối với NLĐ khi mất việc, nghỉ việc. Hiện nay, chính sách này vẫn còn một số bất cập, quyền lợi của NLĐ chưa được bảo đảm ở mức độ cao nhất. Do đó, chính sách cần sớm hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, một số quy định cần sớm được điều chỉnh. Chẳng hạn, mở rộng phạm vi đối tượng BHTN được đầy đủ, đảm bảo công bằng và phù hợp với quy định chung của pháp luật quốc tế như: bổ sung đối tượng NLĐ bắt buộc tham gia BHTN khi có giao kết hợp đồng lao động, làm việc có thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Mặt khác, cần quy định trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật…) dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ BHTN cho NLĐ; NLĐ gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN tháng liền kề trước khi mất việc do doanh nghiệp chậm đóng, nợ BHTN thì NLĐ vẫn được hưởng BHTN.

Tác giả: Lam Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây