Cảnh báo lạm dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ

Thứ hai - 22/01/2024 10:06
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử (TLĐT) chứa nhiều chất hóa học và là nguyên nhân gây nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có ung thư. Thực tế rất đáng báo động khi tình trạng người nghiện các loại TLĐT ngày càng đông và phần lớn là người trẻ.
Nhiều người trẻ thản nhiên hút thuốc lá điện tử tại nơi công cộng
Nhiều người trẻ thản nhiên hút thuốc lá điện tử tại nơi công cộng

* Thích ra vẻ sành điệu

TLĐT đang được nhiều người sử dụng, trong đó có cả học sinh, sinh viên. Nhiều bạn trẻ thích sử dụng TLĐT đơn giản chỉ cho ra vẻ… sành điệu, thức thời. Tuy nhiên, không mấy người biết được những nguy hại tiềm ẩn của TLĐT.

Chúng tôi có dịp đến các quán cà phê, trà sữa, quán ăn và thấy nhiều người trẻ ngồi hút TLĐT rất vô tư. Với tâm lý thích “đu” trend nhả khói và dùng TLĐT thì có vẻ thú vị, pha nét “ngầu” nên TLĐT rất được giới trẻ ưa chuộng, thậm chí trở thành vật bất ly thân của nhiều người.

Đến một quán trà sữa gần một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa người ta không khó bắt gặp học sinh chuyền nhau hút chung một cây TLĐT và có vẻ hả hê khi dùng thử hương vị mới. Qua trao đổi của nhóm này cho biết, mấy học sinh này đã hút TLĐT cả năm để thử nhiều hương vị mới. Khi tìm được hương vị yêu thích thì mua và mời các bạn cùng hút thử và hình ảnh những thanh niên trẻ thở khói ra phà phà, nói cười sảng khoái khiến chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của họ.
 
Phần lớn người trẻ khi được hỏi về tác hại của TLĐT đều khẳng định hút TLĐT không có hại mà chỉ thấy “ngon, thơm, phê” thì mua.

Hiện TLĐT được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội với mẫu mã bắt mắt, màu sắc đa dạng, hương vị phong phú và giá cả không “mềm”, nhưng nhiều học sinh đã góp tiền mua dùng chung. Hiện trong giới dùng TLĐT, có người thích dùng pod - là dạng TLĐT chỉ dùng 1 lần, người lại thích dùng vape - là loại châm tinh dầu và dùng được lâu hơn, khi dùng hết chỉ cần mua thêm tinh dầu mới chế vào hút nên vape thường đắt hơn pod từ 100-200 ngàn đồng/sản phẩm. Về độ nhỏ gọn, tiện dụng thì pod hay vape chỉ nhỏ gọn như một chiếc bật lửa, cây son nên có thể cầm theo đi bất cứ đâu. Cho nên nhiều người trẻ, nhất là học sinh (có cả học sinh THCS), đã chuyển từ thuốc lá điếu sang TLĐT nên rất khó bị phát hiện, bởi các em có thể giấu dễ dàng trong người hoặc trong cặp sách.
 
* TLĐT độc hại hơn người ta tưởng
 
Hiện nay, sự gia tăng số lượng người hút TLĐT vốn đã đáng lo ngại, nhưng lo ngại hơn đó chính là tác hại của TLĐT đối với sức khỏe mà phần lớn người dùng đều chưa nhận thức được. Cứ mặc nhiên cho rằng TLĐT vô hại, không hại phổi bằng thuốc lá điếu.
 
Trong khi đó, người trẻ, học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm cũng đều cho rằng, TLĐT vô hại, nhưng cũng tốn kém. Nếu hút mỗi ngày thì tiền mua tinh dầu mỗi tháng cũng tốn từ 150-300 ngàn đồng.

Trao đổi về mức độ nguy hiểm của sản phẩm thuốc lá mới này, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai Hoàng Thi Thơ cho biết: “Khi người sử dụng hút TLĐT, chất nicotine có trong TLĐT sẽ được hấp thụ qua mạng lưới mạch máu rất rộng lớn của phổi và nhanh chóng đi đến não, kích thích thần kinh gây ra các hiệu ứng thần kinh sảng khoái. Vì thế, khi hút TLĐT, người hút cũng có được cảm giác thoải mái, dễ chịu”.
 
Theo BS Thơ, việc sử dụng TLĐT ở thanh, thiếu niên hiện nay là đặc biệt nguy hiểm. Bởi hầu hết TLĐT hiện nay đều có chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ đối với những người trẻ - vốn còn phát triển đến năm 25 tuổi. Bên cạnh đó, TLĐT còn chứa các thành phần hóa chất độc hại, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này ở người trẻ. Chưa kể hiện nay một số chai tinh dầu dùng trong TLĐT còn chứa thành phần ma túy tổng hợp, rất dễ khiến người hút TLĐT nghiện một số loại ma túy khác như heroin.

Thực tế cho thấy, sử dụng TLĐT cũng tốn kém và gây hại rất nhiều cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người trẻ đã không quan tâm đến tác hại của TLĐT nên sẵn sàng lao vào sử dụng. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người trẻ hiểu đúng về tác hại của TLĐT, tăng cường kiểm tra để hạn chế tình trạng kinh doanh và sử dụng TLĐT.

Tác giả: Hạ Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây