Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ: Chuyện không nhỏ

Thứ sáu - 20/04/2018 01:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Chăm lo sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) là một trong những hoạt động được các cấp Công đoàn tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai suốt thời gian qua, tạo những chuyển biến tích cực. Dù vậy, do nhiều nguyên nhân công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.​

Tăng kiến thức, giảm hệ lụy

Quá tin tưởng vào tình yêu và lời hứa “mình cứ về ở với nhau rồi đợi thêm vài năm nữa, góp được chút vốn mình sẽ cưới nhau”, chị N.T.H., 30 tuổi, làm việc tại KCN Biên Hòa 2 đã đồng ý dọn về ở chung phòng với người yêu sau gần 8 tháng quen biết. Thế nhưng chưa được bao lâu, khi biết tin chị H. mang thai, người yêu chị đã lặng lẽ ra đi, để lại chị với cái thai ngày càng lớn dần trong bụng. “Nếu mình không yêu mù quáng, biết cách tự bảo vệ mình, ít nhất là cách phòng tránh thai thì có lẽ giờ không phải rơi vào hoàn cảnh này”, chị H. buồn bã kể lại câu chuyện đau lòng của mình.

Cũng liên quan đến việc thiếu kiến thức về phòng tránh thai an toàn và hiệu quả, chị Lê Thị Lưu, 33 tuổi, công nhân Công ty Nam Yang (KCN Amata) đã sinh con thứ 3 ngoài ý muốn. Chị Lưu chia sẻ, lương công nhân của chị hiện tầm hơn 6 triệu đồng/tháng; chồng làm nghề thợ hồ, thu nhập không ổn định lại thêm chi phí thuê trọ và nuôi 2 con nhỏ… nên từ lâu chị xác định chỉ dừng lại ở 2 con để cuộc sống bớt áp lực hơn. Thế nhưng, do chủ quan trong ý thức phòng tránh thai, chị mang thai rồi sinh thêm em bé thứ 3. “Tôi đã không tìm hiểu kỹ về kiến thức sức khỏe sinh sản nên dẫn đến sinh con ngoài ý muốn. Từ lúc mang bầu đến lúc cháu được 3 tháng như bây giờ, hai vợ chồng thật sự vất vả và áp lực thêm nhiều phần. Các con rồi đây cũng phải chịu thêm thiệt thòi và thiếu thốn nhiều hơn”, chị Lưu bộc bạch. Cũng theo chị Lưu, tâm lý chung của đàn ông là chuyện tránh thai thường phó mặc cho phụ nữ và không chủ động, né tránh việc này. Vì vậy, chị và nhiều chị em đồng nghiệp có chung băn khoăn, lo lắng là làm cách nào để có thể phòng tránh thai hiệu quả nhất mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tình cảm vợ chồng.

 
CĐCS Công ty Yupoong Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề sức khỏe sinh sản cho CNLĐ. 

Băn khoăn ấy không chỉ là nỗi lòng của nhiều nữ công nhân lao động (CNLĐ) muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình như chị Lưu mà còn đối với rất nhiều nữ thanh niên công nhân độc thân khi mà hiện tượng “sống thử”, “góp gạo thổi cơm chung” đang diễn ra khá phổ biến ở các khu công nghiệp. Kéo theo đó là những hệ lụy phát sinh như mang thai ngoài ý muốn, lạm dụng thuốc tránh thai, phá thai không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa…

Theo chị Nguyễn Thị Út, Chủ tịch CĐCS Công ty Yupoong Việt Nam, thời gian qua, ngoài các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động, chế độ chính sách, nhiều nữ CNLĐ còn tìm đến cán bộ CĐCS để được sẻ chia về những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản với mong muốn gìn giữ được tình yêu và gia đình hạnh phúc. Ngoài việc tư vấn trực tiếp và thường xuyên lồng ghép tuyên truyền vào các nội dung liên quan đến pháp luật lao động, CĐCS Công ty Yupoong Việt Nam còn tổ chức các hội thảo chuyên đề sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ công ty.

Tại buổi hội thảo với sự tham gia của gần 200 nữ CNLĐ được tổ chức mới đây, ở phần đầu tiên của chương trình, khi bác sĩ chia sẻ và trình chiếu những hình ảnh liên quan đến các bệnh phụ khoa và các bệnh lây qua đường tình dục thường gặp, nhiều nữ CNLĐ còn thể hiện sự ngại ngùng. Thế nhưng, sau khi được bác sĩ giảng giải, phân tích cặn kẽ tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản đối với sức khỏe, cuộc sống thì mọi người đã thể hiện thái độ nghiêm túc và tập trung lắng nghe, chủ động đặt câu hỏi với bác sĩ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, 25 tuổi, làm việc tại Công ty Yupoong chia sẻ: “Công nhân ở các KCN như tụi em ít có điều kiện tiếp xúc với kiến thức xã hội do hầu hết thời gian đều dành cho công việc ở công ty; chi phí khám sức khỏe ở ngoài cũng khá cao nên dù muốn vẫn chưa có điều kiện để chủ động đi khám. Vì thế, những buổi hội thảo miễn phí thật sự rất hay và giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích để tự bảo vệ bản thân, tránh những chuyện không mong muốn xảy ra”.

Luôn cần sự quan tâm từ nhiều phía

Là người thường xuyên trực tiếp khám sức khỏe cho nữ CNLĐ tại doanh nghiệp cũng như trực tiếp đứng lớp tại các hội thảo chuyên đề về sức khỏe cho CNLĐ, bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Kim Loan (đang việc tại Tổ chức Marie Stopes Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến sức khỏe sinh sản người lao động thông qua việc tổ chức ngày càng nhiều hơn các buổi hội thảo chuyên đề, các buổi khám sức khỏe sinh sản cho lao động nữ. Tại đó, CNLĐ được hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai… Mặt khác, nhiều CNLĐ cũng thể hiện sự quan tâm hơn tới kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản để bảo vệ chính mình. Nếu như trước đây, ở nhiều buổi hội thảo hay các buổi khám sức khỏe, CNLĐ còn mơ hồ, ngại ngùng né tránh thì nay nhiều chị em mạnh dạn trao đổi và thẳng thắn chia sẻ những vấn đề riêng của mình để được tư vấn, giải đáp. Từ đó, sẽ hạn chế  những hệ lụy đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống.


CNLĐ Công ty Yupoong tham gia hội thảo chuyên đề sức khỏe sinh sản.

Để có được sự thay đổi đó, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phước Mạnh, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng như LĐLĐ tỉnh, Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Tỉnh đoàn… đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền tại các đơn vị, doanh nghiệp về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức về giới tính, tình dục an toàn... Đồng thời, lồng ghép phối hợp tuyên truyền các chương trình, đề án như đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, tập huấn về pháp luật lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên”… Nhiều doanh nghiệp lớn, số lượng lao động nữ chiếm số đông cũng đã triển khai đều đặn chương trình khám sức khỏe sức sản miễn phí cho lao động nữ như Taekwang Vina, Changshin, Pousung, Pouchen… Nhiều doanh nghiệp còn đưa vào thỏa ước lao động tập thể những quy định có lợi hơn cho sức khỏe của lao động nữ. Có thể kể đến như quy định tăng thêm thời gian nghỉ giải lao giữa giờ; lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở đi được về sớm hơn 1 giờ, những lao động nữ đang mang thai từ 7 tháng trở xuống được công ty ưu tiên cho về sớm hơn 5 phút; tăng thêm giá trị gói khám sức khỏe định kỳ…

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phước Mạnh, dù có nhiều thay đổi theo hướng tích cực nhưng do thực tế số lượng CNLĐ đông trong khi đội ngũ tuyên truyền viên, kinh phí, thời gian còn hạn hẹp; một bộ phận công nhân còn có nhận thức hạn chế nên công tác tuyên truyền vẫn chưa thật sự như mong đợi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản cho lao động nữ nói riêng. Ở nhiều nơi, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ và việc khám sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ nói riêng thực tế còn “qua loa”, sơ sài. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ tới đây cần được sự quan tâm nhiều hơn từ nhiều phía. Đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp CNLĐ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Hồ Thảo

Tác giả: Hồ Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây