Hiện nay, dù giá xăng dầu đã có 5 lần liên tiếp giảm khá mạnh về mức tương đương với mức giá vào đầu năm nay nhưng trên thực tế giá nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm theo.

Giá nhiều loại rau xanh hiện vẫn đang ở mức cao do nguồn cung khan hàng vì tình hình thời tiết mưa nhiều và tác động từ các chi phí trung gian, giá cước vận tải chưa giảm nhiều dù giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tục. Trong ảnh: Hoạt động cung ứng nông sản, rau xanh tại chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa)
Giá nhiều loại rau xanh hiện vẫn đang ở mức cao do nguồn cung khan hàng vì tình hình thời tiết mưa nhiều và tác động từ các chi phí trung gian, giá cước vận tải chưa giảm nhiều dù giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tục. Trong ảnh: Hoạt động cung ứng nông sản, rau xanh tại chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa)
Theo nhiều tiểu thương, chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thời gian qua hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu ở mức cao, kéo theo nhiều chi phí trung gian, giá cước vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Do đó, để “gồng gánh” các khoản phí trung gian này, nhiều chủ cửa hàng, hộ kinh doanh đã phải tăng giá bán từ 10-20% đối với nhiều sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, khi giá xăng dầu liên tục giảm mạnh nhưng trên thực tế, chi phí nhiều khâu trung gian vẫn còn “đủng đỉnh” ở mức cao hoặc chỉ giảm “nhỏ giọt” nên đã tác động tới giá bán đầu ra, cũng như lợi nhuận của người bán…
Bà An Tú Anh, Giám đốc HTX Rau Tân Yên (H.Thống Nhất) cho biết, nhiều chi phí trung gian, nhất là giá cước vận tải còn cao chưa thể giảm ngay, thậm chí có trường hợp giá cước “không lên thì thôi chứ đã lỡ lên rồi thì khó mà giảm xuống” đã khiến cho chi phí vận hành, trung chuyển bị “đội lên”. Điều này đã ảnh hưởng tới giá đầu ra của nhiều loại nông sản. Hơn thế nữa, tình hình thời tiết, thuê nhân công cũng tác động không nhỏ tới nguồn cung của nhiều loại nông sản, rau xanh vào dịp này.
Tương tự, bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, giá các loại thực phẩm đóng gói, mỳ ăn liền, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… bắt đầu có xu hướng giảm sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn còn khiêm tốn, chưa nhiều như kỳ vọng, vẫn cần chờ thêm thời gian do hợp đồng cung ứng thường được điều chỉnh trong khoảng 40 ngày, cũng như chờ đợi các chi phí trung gian giảm theo quy trình từ các nhà cung cấp.
Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, giá xăng dầu liên tục giảm giá mạnh là tín hiệu tích cực giúp ổn định các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giá nhiều loại nông sản, nhất là các loại rau ăn lá vẫn còn ở mức cao, thậm chí một số loại rau giá còn nhích lên so với tháng trước bởi nhiều nguyên nhân như: nguồn cung khan hàng do tình hình thời tiết mưa nhiều, các chi phí trung gian (giá cước vận tải, tiền thuê nhân công, các khâu logistics…) vẫn còn ở mức cao hoặc giảm nhẹ chưa đúng như kỳ vọng.
Việc cắt giảm chi phí trung gian là vấn đề không phải bây giờ mới bàn tới. Đây là vấn đề cần giải quyết không chỉ để ổn định thị trường trong giai đoạn hiện nay, mà còn hướng tới nâng cao giá trị cạnh tranh cho nhiều loại hàng hóa trên thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu; cũng như hạn chế tình trạng người nông dân bị ép giá, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua các sản phẩm, nhất là các loại nông sản, thực phẩm thiết yếu với giá cao.
Tại tọa đàm trực tuyến Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào đầu tháng 8-2022, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu ý kiến, một trong những “điểm nghẽn” là chi phí về logistics ở nước ta vẫn còn gặp nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian. Khâu trung gian rõ ràng là không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Nhiều trường hợp các lái buôn ép giá đối với người nông dân, trong khi giá bán đầu ra đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao.
“Khâu trung gian là một khâu quan trọng. Để có thể giải quyết bài toán chí phí ở các khâu trung gian, tôi nghĩ vấn đề nâng cao đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Hơn thế nữa, để cắt giảm các chi phí trung gian đòi hỏi sự công khai, minh bạch từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng, cũng như sự quản lý đồng bộ, sát sườn từ phía các cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện, xử lý khi giá bị đội lên ở những khâu cụ thể, chứ không thể đánh đồng, dàn trải vì như thế sẽ không công bằng với những khâu trung gian khác.