Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đi khảo sát một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm: hồ Cầu Mới (H.Long Thành) và hồ Sông Mây (H.Trảng Bom). Tham dự đoàn khảo sát có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai. Ảnh: Phan Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai. Ảnh: Phan Anh
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50,8 ngàn ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9,3 ngàn ha. Kinh phí cấp bù diện tích sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm khoảng 37 tỷ đồng. Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp khoảng trên 111,7 ngàn m3/ngày đêm.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát tại hồ Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Phan Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát tại hồ Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Phan Anh
Thực trạng hiện nay, tình hình lấn chiếm, vi phạm đất các công trình thủy lợi vẫn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm; phần lớn các công trình được xây dựng lâu nên đã xuống cấp; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công trình thủy lợi còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát tại hồ Cầu Mới (H.Long Thành). Ảnh: Phan Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát tại hồ Cầu Mới (H.Long Thành). Ảnh: Phan Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, địa phương nào có nguồn lực nước dồi dào là có lợi thế lớn. Hiện nay, tỷ lệ các khu công nghiệp, nhà dân sử dụng nước ngầm còn lớn, phải thay thế việc sử dụng nước ngầm bằng nước mặt như nước sông, nước hồ. Do đó, UBND tỉnh phải xây dựng chiến lược về nước với mục tiêu có thể tăng lên cung cấp nửa triệu khối nước/ngày đêm. Tất cả các hồ nước của tỉnh phải là điểm sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn, có hành lang, có cây xanh bảo vệ, thủ tục đất đai phải rõ ràng. Đơn vị quản lý phải cử người chuyên lo về thủ tục đất đai; các sở ngành phải hỗ trợ để làm, chỗ nào vướng cần tập trung tháo gỡ ngay.
Các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, là không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương. Trong đó, toàn dân phải chung tay bảo vệ nên phải quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng sản xuất nông nghiệp như xịt thuốc, bón phân, chăn nuôi xả thải xuống hồ, nguồn nước. Nếu vi phạm sẽ xử lý.