Cần các giải pháp để sớm ổn định thị trường

Thứ hai - 29/08/2022 08:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng nhiều mặt hàng vẫn giữ giá, neo cao dù giá xăng, dầu đã giảm nhiều lần là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa.
Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa.

Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh cho biết, các loại thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm… là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất, nhất là khi giá các loại nhiên liệu ở mức cao trong thời gian qua. Hiện nay, dù giá xăng dầu giảm nhưng để các mặt hàng nói trên điều chỉnh giá bán thì vẫn cần chờ thêm thời gian do hợp đồng cung ứng thường được điều chỉnh trong khoảng 30-40 ngày.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: thực trạng và giải pháp được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 4-8 vừa qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đồng tình với quan điểm về chu trình, độ trễ để giá cả trên thị trường giảm khi giá xăng, dầu giảm. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác. Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.

“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay” - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đa phần người tiêu dùng hiện nay “ngóng” giá nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm theo giá xăng dầu, nhất là giá cước vận chuyển, giao hàng, giá các loại thực phẩm…

Ông Hoàng Vũ (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trước thông tin giá xăng dầu, giá gas giảm liên tiếp, ông kỳ vọng giá hàng hóa, thực phẩm sẽ giảm theo để người tiêu dùng phần nào bớt đi các chi phí. Từ đầu năm đến nay, giá bán các mặt hàng “ăn theo” giá xăng thì cũng có thể hiểu được vì giá cước vận chuyển qua nhiều khâu sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng sẽ phải tăng cao. “Song hiện nay, giá xăng dầu đã giảm xuống nhưng gần như tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đã tăng giá bán hàng hóa khi xăng lên chưa giảm giá bán lại. Vì vậy cần sòng phẳng với người tiêu dùng khi cân đối lại giá cả, tạo sức mua ổn định, lâu dài khi giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” - ông Vũ nói.

Trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước…
 
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành gần đây, ngày 31-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây