Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động khảo sát, phản hồi người dùng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn)
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn)
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) chia sẻ, một trong những điểm cần khắc phục để hàng hóa, sản phẩm địa phương được nhiều người quan tâm, chọn mua trên các sàn TMĐT, nhất là các sàn TMĐT của địa phương là các DN cần tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tham gia sàn; tăng sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng và trả lời, giải đáp thắc mắc đơn hàng, thông tin phản hồi đó. Qua đó, góp phần đem lại niềm tin cao hơn nữa cho khách hàng, không chỉ mua một lần mà còn tiếp tục ủng hộ mua hàng ở những lần tiếp theo.
Bên cạnh đó, các DN cần chủ động cập nhật thông tin, hình ảnh chuẩn xác, mô tả về sản phẩm đúng quy định trên các gian hàng trực tuyến, các sàn TMĐT của địa phương để vừa có hình ảnh đẹp, nội dung hay về sản phẩm nhằm thu hút khách hàng tham gia tìm kiếm, mua - bán sản phẩm ngày càng nhiều hơn.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022. Mục đích của đợt điều tra, khảo sát này là thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT trong năm 2021, làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá thực trạng ứng dụng, phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh…
Đồng thời, thu thập thông tin, đánh giá mức độ nhận thức và ứng dụng TMĐT của DN thuộc các ngành, thành phần kinh tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các DN có liên quan mật thiết đến năng lực, tiềm năng tham gia giao dịch TMĐT. Ngoài ra, còn thu thập thông tin về thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất của DN, HTX, hộ kinh doanh, hộ gia đình trong quá trình triển khai ứng dụng TMĐT; thu thập thông tin cơ bản về mức độ hiểu biết, ứng dụng CNTT của hộ gia đình, hộ kinh doanh trong TMĐT và dịch vụ hành chính công…
Từ đó tìm ra giải pháp hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, đưa TMĐT được sử dụng và ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, các cơ sở kinh tế và hoạt động tiêu dùng hằng ngày của người dân.
Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên thực hiện khảo sát, điều tra tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn Đồng Nai. Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Thống kê Đồng Nai tổ chức chương trình tập huấn nghiệp vụ, phổ biến nội dung, phương pháp thu thập số liệu và thời gian tiến hành điều tra, khảo sát, hướng dẫn điền thông tin vào phiếu điều tra, khảo sát đến cán bộ thống kê ở địa phương, các DN, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh… để việc triển khai điều tra, khảo sát được thực hiện theo đúng kế hoạch…
Theo Kế hoạch điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022 của UBND tỉnh, do tính chất phức tạp của nội dung điều tra và trình độ kế toán, thống kê cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra rất khác nhau, nên áp dụng cả phương pháp trực tiếp và gián tiếp. Thời gian triển khai điều tra, khảo sát và báo cáo kết quả từ đầu dự kiến đến hết tháng 9-2022.