Trong những năm vừa qua, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối sản xuất không mạnh dạn đổ vốn đầu tư máy móc công nghệ mới. Thế nhưng, một số DN lại chọn phương án này để đón đầu cơ hội.
Việc đầu tư máy móc công nghệ mới luôn là sự cân nhắc của các DN sản xuất bởi vốn đầu tư khá lớn, nếu tính toán không kỹ sẽ gặp khó khăn trong thu hồi vốn.
* Đầu tư để đón đầu
Suốt một thời gian dài, ngành xây dựng bị chùng xuống, nhưng Nhà máy bê tông Hùng Vương (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) vẫn phát triển khá tốt. Ông Đào Văn Hạc, Giám đốc nhà máy, tiết lộ đó là nhờ các dây chuyền sản xuất hiện đại đã mang lại hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Kể cả thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế là năm 2011, nhà máy vẫn luôn ổn định sản xuất và có đơn hàng. Các dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ Đức đến nay đang là thế mạnh của nhà máy, chẳng hạn như công nghệ đầm siêu tần sản xuất ống cống jacking pipe dùng cho các công trình sử dụng phương pháp khoan kích ngầm. Cũng nhờ việc đầu tư đón đầu đó mà nhà máy đã đáp ứng được nhu cầu của các công trình lớn, như: dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án cải tạo môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.Hồ Chí Minh), dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 20 và nhiều dự án khu dân cư đô thị, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất ống cống tại Nhà máy bê tông Hùng Vương.
Công ty chế biến gỗ xuất khẩu F.J Wood (huyện Trảng Bom) cũng đã thay đổi hàng loạt máy móc, dây chuyền sản xuất ngay trong thời điểm ngành gỗ không mấy dễ dàng. Theo ông Vương Hồng Quang, Phó giám đốc công ty, lúc kinh tế đang yếu lại là thời điểm đầu tư tốt vì mọi thứ đang ở mức giá thấp. Dây chuyền sản xuất mới của F.J Wood đã giúp giảm được gần 1/4 số lao động. Đây cũng là lợi thế để DN bước vào tăng tốc trong 2 năm qua khi ngành gỗ hồi phục trở lại. Trước đây, DN khá ngán ngại khi gặp những đơn hàng lớn do không đủ sức, phần lớn nhận hợp đồng nhỏ và làm hàng gia công cho các DN lớn, thì nay công ty đã ký trực tiếp các đơn hàng lớn với đối tác. Trong những năm qua, nhiều DN đã chọn phương án thay đổi máy móc, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ mới để tăng sức cạnh tranh.
* Nâng chất lượng hàng hóa
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng quản lý sản xuất Công ty TNHH P.G Steel (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các sản phẩm bù loong, ốc vít xuất khẩu, cho biết trong lĩnh vực cơ khí chính xác nếu không đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ rất khó cạnh tranh khi bán hàng ra nước ngoài. “Từ năm 2012 trở về trước, công ty sử dụng dây chuyền sản xuất của Trung Quốc và một số máy cũ để suất đầu tư thấp, thời gian đầu sản xuất ổn định nhưng sau đó sản phẩm bị lỗi liên tục, bộ phận kiểm tra chất lượng rất cực. Sau này, công ty đổi sang sử dụng máy của Nhật và Ý sản xuất rất ít bị lỗi, 2 năm qua hàng xuất đi hầu như không có tình trạng bị trả về” - ông Giang kể.
Trưởng phòng kinh doanh của một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở Khu công nghiệp Amata cũng cho hay, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, năm 2014 công ty này đã phải bỏ ra cả chục tỷ đồng để thay thế dây chuyền chế biến hải sản, quy trình sản xuất được tự động và khép kín cao.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh, khoảng 5 năm trở lại đây các DN sản xuất đã ý thức hơn việc đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại. Ông Liêm chia sẻ: “Trong hội nhập nếu năng suất và chất lượng sản phẩm không được nâng lên, DN khó có thể phát triển. Một số DN nhỏ và vừa thời gian qua thường “săn” các nguồn quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ của Chính phủ và các tổ chức nước ngoài để tranh thủ đầu tư. Đây là bước đi vững chắc và cần thiết để DN phát triển”.
Quốc Khánh