Trảng Bom và chặng đường phát triển

Thứ năm - 14/05/2015 08:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Từ một huyện thuần nông, ngày nay Trảng Bom đã có nền kinh tế công nghiệp đứng vào hàng “tứ trụ” vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Sớm trở thành huyện công nghiệp, theo hướng hiện đại đang là giấc mơ có thật ở vùng đất giàu truyền thống này.
 
Đất lành chim đậu
 
Trảng Bom là địa phương sớm triển khai cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại, nhằm tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư  trong và ngoài nước. Từ năm 2008, bộ phận “một cửa” của huyện Trảng Bom đã rút ngắn 2/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, nhất là các thủ tục về kê khai, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, việc thu hút đầu tư vào huyện đạt nhiều kết quả khả quan.
 
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung (Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo, Giang Điền) và 6 cụm công nghiệp địa phương. Năm 2004 chỉ có 115 dự án FDI, đến nay đã tăng lên 187 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 1,4 tỷ USD, thu hút gần 100.000 lao động làm việc ổn định; giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 17,6 lần so với năm 2004.
 

Là một trong những doanh nghiệp quy mô của Đài Loan đầu tư tại Đồng Nai, ông Ch. Wang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phong Thái cho biết: “Khi chọn địa điểm đầu tư, chúng tôi quan tâm đến hai vấn đề là nguồn nhân lực và giao thông thuận lợi. Chúng tôi chọn đầu tư ở Trảng Bom vì hai lẽ trên và nhận thấy các cơ quan chính quyền ở Trảng Bom cũng như tỉnh Đồng Nai rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi”.

 
Đó cũng là cảm nhận của nhiều doanh nghiệp trong nước khi chọn đầu tư ở Trảng Bom. Ông  Nguyễn Trường Vinh, chủ cơ sở chế biến gỗ Tân Vinh (xã Quảng Tiến) bày tỏ: “Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và các ban ngành đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ về mặt bằng, giấy phép kinh doanh, hai năm đầu chúng tôi được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 100% và một  năm sau miễn giảm 50%. Từ đó cơ sở không ngừng phát triển, số lượng công nhân hiện nay là 200 người”. 
 
Một góc khu công nghiệp Bàu Xéo
 
Công nghiệp phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống kinh tế địa phương. Cách đây hơn 10 năm, gia đình bà Phạm Thị Điệp ở ấp 1, xã Sông Trầu thuộc diện nghèo của xã, vùng đất nơi bà sinh sống là khu vực hoang hóa, đất đai cằn cỗi chỉ trồng được mì và điều nhưng năng suất rất thấp. Từ khi KCN Bàu Xéo được hình thành nơi đây, gia đình bà thực sự đổi đời nhờ việc xây phòng trọ cho công nhân thuê và chuyển qua bán tạp hóa. Bà cho biết một tháng trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
 
Sự phát triển nhanh của các KCN không chỉ là cơ hội cho nhiều  nông dân địa phương  mà cũng là thời cơ đổi đời cho  nhiều lao động nhập cư . Anh Trần Quang Sáu ở khu phố 5, thị trấn Trảng Bom là một trong số đó. Rời quê Hải Dương vào Trảng Bom kiếm việc làm, những ngày đầu, anh làm việc cho một công ty sản xuất giày da. Sau đó, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh quyết định mở một cơ sở mộc và phát triển không ngừng. Anh tâm sự : “Trảng Bom là quê hương thứ hai của tôi, bởi chỉ đến đây tôi mới có cơ may phát triển như hôm nay. Tôi thấy nhiều người xa quê đến đây, có quyết tâm làm giàu ngay từ đầu đều gặt hái được thành công nhất định”.
 
Về định hướng phát triển, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Sơn Hùng khái quát: “Đẩy mạnh thu hút và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương và ít ô nhiễm môi trường, cùng đồng hành với doanh nghiệp trong cải cách các thủ tục không cần thiết; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Trảng Bom theo tiêu chuẩn đô thị loại 4. Thành công trong giai đoạn công nghiệp hóa mạnh mẽ, Trảng Bom sẽ phát triển không gian đô thị cũng như các dịch vụ y tế - giáo dục - thương mại để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
 
Hài hòa trong phát triển
 
Cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Trảng Bom ngày càng quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ, tiếp tục phát huy lợi thế ngành chăn nuôi trên địa bàn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao; quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trên cơ sở đó, triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Hiện toàn huyện có 270 trang trại và hàng chục doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp gắn kết nhà nông với mạng lưới tiêu thụ tạo ra hàng hóa nông nghiệp giá trị cao, đánh dấu bước tiến mới của nghề nông Trảng Bom, làm bệ phóng cho sản xuất công nghiệp chế biến. Hiện sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề Bình Minh đã  xuất khẩu sang cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Bắc Âu… là ví dụ sinh động.
 
Gắn liền với phát triển các KCN, huyện cũng sớm quy hoạch các khu dân cư, đô thị cùng các khu tái định cư để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa, nhất là người dân các vùng bị giải tỏa đất để họ “ly nông bất ly hương”.
 
Ông Trần Nghi Dũng, Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên đạt được thành tựu như hôm nay.  Yếu tố đầu tiên và quyết định là truyền thống kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc của cán bộ và nhân dân Trảng Bom. Truyền thống đó đang được tiếp nối một cách rõ nét”.
 
Bà Nguyễn Thị Thành, nguyên Chủ tịch UBND huyện cho rằng, có được những thành tựu như hôm nay, Đảng bộ và nhất là các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện để xác định nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp mang tính đột phá. Ví dụ như việc Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, xây dựng thị trấn Trảng Bom đồng bộ hạ tầng điện - đường - trường - trạm; hoặc việc khai thác quỹ đất để phát triển hạ tầng. Đảng bộ huyện cũng luôn xác định:  Công nghiệp phát triển sẽ là “đòn bẩy” giúp thương mại - dịch vụ khởi sắc và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt,  vấn đề rất quan trọng là Đảng bộ và các đồng chí lãnh đạo huyện luôn coi trọng việc đào tạo đội ngũ kế thừa . “Điều đáng mừng là đội ngũ cán bộ của huyện hiện nay trẻ, năng động, sáng tạo, có kinh nghiệm trong thực tiễn hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều; tôi tin là với sức bật mới, với những thành tựu đạt được sẽ tạo đà cho Trảng Bom phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, bà Nguyễn Thị Thành khẳng định.
 
Theo định hướng phát triển công nghiệp, trong tương lai bộ mặt đô thị của Trảng Bom sẽ thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh hơn.

 

 

 

Hải Văn
 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

68,082

Tổng lượt truy cập

555,561,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây