Dù là giáo viên thế hệ 8X, 9X hay đã sắp về hưu, nhưng với chung tình yêu với học trò, nhiều giáo viên trong tỉnh đã tự tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo nên những phương pháp dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin khiến tiết học trở nên sinh động, hiệu quả.
Ba cô giáo Trần Thi Kim Vân, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trần Thu Lan (Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa) tìm hiểu phần mềm dạy học mới trên mạng Internet để ứng dụng vào giảng dạy.
“Ứng dụng phần mềm Geometer’s Sketchpad để soạn bài giảng môn Hình học giúp tiết học trở nên sinh động, học sinh được chứng kiến những thay đổi của các thông số trong hình vẽ, tự rút ra kết luận, hình thành những lập luận để phân tích, chứng minh” - cô Trần Thu Lan, giáo viên tổ Toán, Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của mình.
TRỰC QUAN, SINH ĐỘNG
Theo cô Lan, với môn Hình học, nếu giáo viên lên lớp không có dụng cụ dạy học sẽ dễ khiến học sinh nhàm chán. Hơn nữa, với các loại hình, nếu giáo viên dùng thước vẽ thông thường lên bảng, lúc cần thay đổi các điểm, đường thẳng trong hình, giáo viên lại phải xóa đi để vẽ lại rất tốn thời gian. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, cô Thu Lan cùng 2 cô giáo cùng trường là Trần Thị Kim Vân và Nguyễn Thị Kiều Oanh đã cùng nhau tìm hiểu và tạo ra giải pháp “Thiết kế mô hình trực quan và sử dụng mô hình động trong việc dạy Hình học lớp 8 bằng phần mềm Geometer’s Sketchpad”. Giải pháp này đã xuất sắc đoạt giải nhất trong chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2014 (chương trình 6).
Với phần mềm này, giáo viên có thể xây dựng được các điểm, đường thẳng, đường tròn, tạo trung điểm của một đoạn thẳng, dựng một đường thẳng song song với một đường thẳng khác, dựng đường tròn với một bán kính cố định đã cho, vẽ đồ thị hàm số cho trước... một cách đơn giản, nhanh chóng. Phần mềm còn cho phép thiết lập quan hệ giữa các đối tượng hình học và đảm bảo rằng các quan hệ luôn được bảo toàn. Khi một thành phần của hình bị biến đổi, những thành phần khác có quan hệ với thành phần trên sẽ được tự động thay đổi theo.
“Mô hình này giúp học sinh tự khám phá bài học, tự tìm ra phương pháp chứng minh, phân tích. Hơn nữa, còn giúp các em phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng và tư duy” - cô Oanh bộc bạch.
CÔ GIÁO 8X SÁNG TẠO
Ở tuổi 30, cô Đỗ Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Trảng Bom), đã có nhiều phương pháp dạy môn Ngữ văn được đánh giá cao. Mới đây, giải pháp “Ứng dụng phần mềm Activinspire thiết kế bài lên lớp môn Ngữ văn bậc THCS” của cô Vân đoạt một trong 3 giải nhất của chương trình 6, cho thấy sự lao động miệt mài, tận tâm, trách nhiệm với công việc.
Chia sẻ về mục đích của mình, cô Vân tâm sự vài năm trở lại đây, nhiều trường học trong tỉnh đã được trang bị hệ thống thiết bị dạy học tương tác nhằm thay đổi những phương pháp dạy - học truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục. Làm sao để sử dụng hết công năng của những thiết bị này, giúp học sinh tiếp cận được lợi ích mà nó mang lại là điều cô giáo trẻ luôn trăn trở. Trong khi đó, phần mềm hỗ trợ dạy học tương tác Activinspire còn khá mới mẻ với nhiều giáo viên. “Để giúp đồng nghiệp ứng dụng thành thục phần mềm này vào soạn giảng và giúp học sinh có những tiết học Văn thú vị hơn, tôi đã lên mạng tìm hiểu phần mềm này, thiết kế các ý tưởng ứng dụng phần mềm vào bài giảng” - cô Vân nói.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy làm cho tiết học trở nên cuốn hút, học sinh chủ động, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài, lên bảng làm bài tập trên bảng tương tác, đặt ra nhiều câu hỏi đối với giáo viên... đã trở nên rất quen thuộc đối với nhiều trường học. Thầy Nguyễn Ngọc Vàng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “100% giáo viên trong trường đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin vào soạn giảng. Những giáo viên biết nhiều chỉ cho giáo viên biết ít, cứ thế, mọi người cùng nhau tiến bộ với một mục đích là hướng tới học sinh”.
Hạnh Dung