Tích cực chống hạn cho rừng

Thứ năm - 09/04/2015 09:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​Nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay đã khiến cho nhiều diện tích rừng phòng hộ tại Xuân Lộc đã bị chết. Còn tại một số khu vực khác, cây trong rừng phòng hộ cũng đang héo đi từng ngày.

Báo động cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Hiện đang vào thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa khô, tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, hàng chục ngàn ha rừng trên địa bàn huyện Xuân Lộc nằm trong tình trạng báo động cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Vì vậy, nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào và mức thiệt hại sẽ rất lớn.

hinh99_0904.jpg
 Tưới nước để cứu những cây gỗ quý đang còn nhỏ.
 
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Ðình Long cho biết, nắng nóng kéo dài và phức tạp nhất trong 10 năm trở lại nay. Ðiều này khiến cho diện tích rừng thuộc đơn vị quản lý nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm vì đã nhiều tháng rồi mà trên địa bàn chưa có mưa. Những diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là khu vực giáp ranh tỉnh Bình Thuận, nơi giao thoa với khí hậu khô nóng của khu vực Nam Trung bộ. “Cho đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 15 ha rừng phòng hộ do chúng tôi quản lý bị chết khô, những cây dễ bị ảnh hưởng nhất là cây trồng từ 1 đến 3 năm tuổi. Ðối với những cây khác, do thiếu nước lâu ngày nên đang có hiện tượng vàng và rụng lá hàng loạt…”.
 
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc được giao quản lý trên 10.400 ha, chiếm khoảng 2/3 diện tích rừng trên địa bàn toàn huyện. Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Ðồng Nai, mùa khô năm nay sẽ còn kéo dài cho đến tháng 5. Mấy tháng qua, nhiều vùng thuộc các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Ðịnh Quán không có mưa dẫn đến khô hạn ở những vùng cao và lượng nước ngầm cũng sụt giảm mạnh. Suốt tháng 4 sẽ là thời kỳ cao điểm nắng nóng, nhiệt độ có thể lên tới 400C ở ngoài trời, nguy cơ cháy rừng trong thời điểm này vì thế lại càng gay gắt.
 
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa gửi công điện tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo Bộ NN-PTNT, trong thời gian vừa qua, một số vụ cháy rừng nghiêm trọng đã xảy ra ở các tỉnh Gia Lai ngày 23-3, tỉnh Yên Bái tại huyện Trạm Tấu ngày 20-3 và huyện Mù Cang Chải ngày 2-4, làm thiệt hại hàng chục ha rừng. Bộ NN-PTNT khuyến cáo tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng; kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân; hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy đúng quy hoạch, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt của các chủ rừng không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
 
Ngóng trời mưa
 
Ðể đối phó với tình hình nắng hạn, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc phải huy động tối đa nhân lực nhằm giữ cho diện tích rừng không bị chết thêm. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết như hiện nay thì vẫn phải chờ… trời đổ mưa!
 
Hơn 2 tháng qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc phải huy động tất cả cán bộ, lực lượng của mình ngày đêm tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai quyết liệt các phương án phòng chống cháy rừng với một quyết tâm cao nhất. Với 6 phân trường trong lâm phận do đơn vị quản lý, gồm: Ðầm Voi, Núi Le, Gia Huynh, Gia Phu, Láng Cát và Trảng Táo, đơn vị đã tiến hành phát quang, cày xới để dập thực bì, làm đường băng cản lửa; đồng thời lên lịch phân công nhau tuần tra vào các giờ cao điểm có nguy cơ cháy cao. Riêng tại 8 chòi canh ở các phân trường cũng thường xuyên có người túc trực 24/24 giờ nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra.
 
hinh10_0904.jpg
Nắng hạn lâu ngày đã làm cho khoảng 15 ha rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết khô.

 

Ðối với những cây thuộc họ gỗ lớn nhưng còn nhỏ và đang phải lay lắt chống chịu nắng nóng thì cố gắng huy động tưới được phần nào hay phần đó bởi với diện tích lớn, đa phần ở trong rừng, khó tiếp cận nguồn nước. “Mặc dù chưa xảy ra cháy rừng, nhưng số diện tích cây bị chết đã lên tới 15 ha và số cây héo đang tăng lên hằng ngày. Chúng tôi đã hết sức cố gắng để khống chế cây chết, nhưng tình hình rất khó khăn khi ngay cả nước cho sinh hoạt còn thiếu, chứ đừng nói đến nước tưới cho cây. Lâu lắm rồi, từ cả chục năm qua, đến nay mới xảy ra hạn khắc nghiệt đến nỗi cây rừng cũng chết. Chưa bao giờ ở vùng này, mọi người thấp thỏm ngày đêm để mong trời đổ mưa, cứu rừng như bây giờ”, ông Long nói.


Gia Văn


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

68,510

Tổng lượt truy cập

555,463,949
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây