Từ một vùng đất nghèo, bị tàn phá bởi bom đạn của chiến tranh, Xuân Lộc hôm nay đã thực sự khoác trên mình chiếc áo mới với bộ mặt của vùng nông thôn mới tươi tắn, trẻ trung và sôi động.
Đổi thay trên vùng đất nghèo
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử, vùng đất Xuân Lộc, nay là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, được xem là “cánh cửa thép”- tuyến phòng thủ vững chắc từ xa bảo vệ đầu não chính quyền Sài Gòn. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, chính vì vậy, Mỹ ngụy đã tập trung về đây những phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại và lực lượng hùng mạnh nhất với ý đồ biến Xuân Lộc trở thành điểm “tử thủ” bảo vệ thành trì cuối cùng của chế độ Sài Gòn.
Chiến dịch Xuân Lộc với 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt (từ ngày 9-4 đến 21-4), quân và dân ta đã mở toang “cánh cửa thép” giải phóng Xuân Lộc và Long Khánh, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại cũng là thời kỳ mà người dân nơi đây phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ của chiến tranh để lại. Năm 1991, huyện Xuân Lộc (cũ) được tách thành huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Trong đó, huyện Xuân Lộc gồm những xã xa xôi, hẻo lánh, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trụ cột kinh tế của huyện lúc bấy giờ nhưng cũng chỉ ở dạng manh mún, trình độ sản xuất thấp. Do vậy, cái nghèo vẫn cứ “bám chân” người dân nơi đây với hơn 20% dân số thuộc diện đói nghèo.

Một góc thị trấn Gia Ray hôm nay.
Kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, nên trên con đường xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc cũng luôn xác định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng hàng đầu. Cũng chính từ đây, Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và lạc hậu, Xuân Lộc đã tập trung chỉ đạo phát triển các nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu và tập quán sản xuất của người dân; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, hạ giá thành sản xuất. Những cánh đồng lúa cho thu nhập thấp được mạnh dạn thay bằng cây bắp cao sản cùng với đó là việc hình thành những vùng chuyên canh tiêu, cây ăn quả... Từ đó, hình hài của một nền nông nghiệp lớn với các vùng chuyên canh năng suất, chất lượng cao đã dần định hình.

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội và lãnh đạo tỉnh thăm một cánh đồng bắp tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng chuyên canh có giá trị từ 100 đến 250 triệu/ha/năm như vùng sản xuất 1 vụ bắp, 2 vụ lúa tại Lang Minh (600 ha), Suối Cát (200 ha), Xuân Phú (1.200 ha); tiêu tại Suối Cao (gần 600 ha), Xuân Thọ (hơn 400 ha)…
“Quả ngọt” cho những thay đổi và cách làm mạnh dạn đó là thu nhập của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt trên 12 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần.
Với những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1999, Xuân Lộc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh để khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tư phát triển sản xuất, năm 2011, Xuân Lộc lại đạt được danh hiệu cao quý Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Cuối năm 2014, Xuân Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM.
Bộ mặt quê hương cũng từ đó dần thay da đổi thịt. Đến Xuân Lộc hôm nay, hình ảnh về một vùng quê với đầy thương tích chiến tranh chỉ còn trong ký ức. Thay thế cho những hố bom loang lổ là những nhà máy, xí nghiệp, là màu xanh ngút ngàn của những ruộng bắp, vườn tiêu, vườn cây ăn quả...
Kỳ tích nông thôn mới
Nếu như trong chiến tranh, địa danh Xuân Lộc được cả nước biết đến như là “vùng đất lửa” thì giờ đây mảnh đất này lại được biết đến nhiều hơn như là địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt khó trong chiến đấu đã được nhân dân và chính quyền huyện Xuân Lộc giữ vững và phát huy trong công cuôc xây dựng quê hương.
Trong phong trào xây dựng NTM ở Xuân Lộc, vai trò của người dân đã được thể hiện rõ nét. Trong gần 5 năm bắt tay xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư của Xuân Lộc là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiến hơn 90%. Để có được điều này, Xuân Lộc đã có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân để cùng tham gia thực hiện. Một trong những cách làm đó là làm cho dân thấy, dân tin để nhân dân cùng chung tay. Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với Nhà nước. “Nếu nói không thì chúng tôi cũng khó tin, nhưng nếu làm được thì chúng tôi tin ngay. Mà đã thấy, đã tin thì nhân dân sẵn sàng đóng góp”, ông Hoàng Bẻo, người dân xã Lang Minh chia sẻ.

Cây bắp và cà phê - các loại nông sản chủ lực của huyện Xuân Lộc.
Thế nên, từ một vùng đất “nhiều không”, đến nay hơn 97% đường ấp trên địa bàn huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên 380km trong tổng số gần 420km đường giao thông nông thôn, đồng thời mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ấn tượng với những kết quả trong xây dựng NTM của Xuân Lộc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần về thăm và làm việc với huyện vào tháng 4-2014, đã đánh giá: “Quá trình thực hiện xây dựng NTM tại Đồng Nai nói chung và Xuân Lộc nói riêng là một tài sản hết sức quý giá bổ sung vào kho tàng lý luận và thực tiễn về vấn đề tam nông của Đảng ta. Nghị quyết 26 đã thực sự biến thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ ở Xuân Lộc được nhân dân đón nhận và vào cuộc cùng với hệ thống chính trị để cùng thực hiện”.
Đến với Xuân Lộc trong những ngày này, ta như không chỉ cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, mà xen lẫn với đó là sự nhộn nhịp tràn đầy sức sống của một vùng nông thôn mới tràn đầy sức sống; là khát vọng làm giàu, dựng xây quê hương của mỗi người dân nơi đây.
Vậy nên, cũng không có gì là lạ khi Xuân Lộc lại có những người nông dân được mệnh danh là những ông “vua tiêu”, “vua bắp” trong lao động sản xuất. Chính họ, những người nông dân “một nắng hai sương” đang từng ngày, từng giờ bắt “đất đẻ ra tiền” để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tùng Văn