Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh tự kỷ

Chủ nhật - 31/03/2019 21:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những năm gần đây, bệnh tự kỷ đã không còn là chứng bệnh hiếm gặp và đang trở thành mối quan tâm, lo ngại của toàn xã hội. Do đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là các bậc cha mẹ về căn bệnh này là điều cần thiết. Trong đó, tình yêu thương của các bậc cha mẹ được coi là liều thuốc hữu hiệu đối với trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ.​

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Theo khảo sát của Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội tâm lý học Việt Nam, có khoảng từ 1% - 1,5% trẻ em được sinh ra bị mắc các chứng bệnh tự kỷ, một trong những nguyên nhân gây nên sự khuyết tật ở trẻ em. Tại TP. Biên Hòa, các buổi nói chuyện, tư vấn về bệnh tự kỷ ở  các trung tâm như Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Ðức (Trung tâm Hoàng Ðức), Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông phố (Trung tâm Sông Phố) đã cung cấp khá nhiều kiến thức liên quan đến căn bệnh này cho các bậc cha mẹ. Thực tế cho thấy tự kỷ là một dạng khuyết tật, gây ảnh hưởng tâm lý không chỉ ở con trẻ mà cả các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ.


Chuyên gia tâm lý chia sẻ về chứng tự kỷ trong buổi sinh hoạt của Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố.

Chị N.Ð.L. (TP. Biên Hòa), một người mẹ có con mắc chứng bệnh tự kỷ 12 năm nay cho biết: “Trong các dạng khuyết tật thì tự kỷ gây nên những tổn thất tâm lý lớn, đau khổ nhất và những ông bố, bà mẹ có con bị tự kỷ là diện khó vượt qua nhất. Bởi có những đứa trẻ mắc bệnh này rất xinh đẹp nhưng ánh mắt vô hồn, luôn nhìn vào không gian vô định, thậm chí không nhận biết cha mẹ chúng là ai…”.

Một phụ huynh khác kể, khi con trai họ được 24 tháng tuổi, gia đình phát hiện cháu có những biểu hiện không bình thường nên đã đưa con đi nhiều bệnh viện, cơ sở để chữa trị nhưng hầu như không có kết quả. Sau đó, gia đình đã đưa cháu đến Trung tâm Sông Phố (TP. Biên Hòa) điều trị bằng các biện pháp can thiệp tích cực. Với tình thương yêu của các thầy cô giáo tại trung tâm, đặc biệt là sự quan tâm, kiên trì, lạc quan và yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, đến nay bệnh của bé đã có chuyển biến tốt, bé đã chủ động biểu hiện cảm xúc khi cha mẹ trao tặng đồ chơi, cười đùa…

Bé T.V.H. (TP. Biên Hòa) cũng là một trong số những đứa trẻ không may bị mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, sau 2 năm kiên trì điều trị tại Trung tâm Hoàng Ðức, bé nhanh nhẹn hơn, hòa nhập cùng các bạn trong các trò chơi tập thể.

Cần phát hiện và can thiệp sớm

Mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ và các gia đình, song trên thực tế, bệnh tự kỷ vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. TS. Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Hoàng Ðức cho rằng, nhiều trường hợp trẻ tự kỷ được phát hiện ở giai đoạn muộn (sau 3 tuổi) nên tỷ lệ can thiệp thành công chỉ chiếm 30%, mất cơ hội vàng điều trị thành công căn bệnh này.

Theo đó, trẻ bị tự kỷ rất cần được phát hiện và can thiệp sớm để đảm bảo cơ hội vàng. Cụ thể, khi dưới 3 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị thành công cao hơn so với trường hợp phát hiện muộn. Song do nhiều nguyên nhân như nhận thức, thiếu thời gian, không có kỹ năng…nên việc phát hiện trẻ tự kỷ đều ở giai đoạn muộn (chiếm trên 76%). Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bệnh tự kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị khuyết tật với các mô hình chẩn đoán như suy yếu về quan hệ xã hội, suy yếu về ngôn ngữ, giao tiếp và nhiều sở thích của trẻ bị hạn chế.

Tại Trung tâm Hoàng Ðức, năm 2018 đã có khoảng 250 trẻ được thăm khám và đánh giá; tiếp cận can thiệp (bán trú và theo giờ) khoảng 170 - 180 lượt trẻ ở các dạng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ và chậm phát triển trí tuệ. Trong đó đã có 34 trẻ được can thiệp thành công, chuyển tiếp ra học tại các trường mầm non, tiểu học; 46 trẻ được chuyển tiếp từ giai đoạn can thiệp sớm 1 lên can thiệp sớm 2. Những kết quả này là cơ sở để tiếp tục tư vấn, trợ giúp cho các bậc phụ huynh ở Ðồng Nai và các tỉnh, thành lân cận cùng trẻ vượt qua chứng bệnh tự kỷ.

Thực tế cho thấy, khi trẻ mắc bệnh tự kỷ, không chỉ các em thiệt thòi mà điều làm các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng là thiếu môi trường để các em hòa nhập, thậm chí còn có sự phân biệt, kỳ thị đối với trẻ tự kỷ. Nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ cho rằng, điều họ lo lắng nhất là con của họ đến tuổi đi học do cháu rất dễ tổn thương khi bị kỳ thị, phân biệt trong lớp học. Ðiều này xuất phát từ việc giáo viên chưa thực sự am hiểu về lĩnh vực này và nhà trường cũng không có chính sách hỗ trợ riêng cho trẻ tự kỷ…

TS. Lê Minh Công cho rằng, ngoài việc nhận biết sớm để có giải pháp can thiệp kịp thời thì tình yêu thương của gia đình, cha mẹ chính là liều thuốc vô giá đối với trẻ tự kỷ. Với bác sĩ, nhân viên các đơn vị tư vấn, hỗ trợ, điều trị trẻ tự kỷ cần được đào tạo kỹ năng chuyên môn và đặc biệt có phẩm chất đạo đức tốt, tận tâm trong trợ giúp, tư vấn, can thiệp trẻ tự kỷ…

Hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ

Sáng 31-3, Trung tâm Sông phố tổ chức chương trình “Ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ” kết hợp sinh hoạt chuyên đề: “Giáo dục giới tính cho trẻ có rối loạn phát triển” với sự tham gia của hơn 60 trẻ đang học tập, can thiệp cùng với các phụ huynh, nhân viên tại trung tâm.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, phụ huynh đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM truyền tải nội dung liên quan đến “Giáo dục giới tính cho trẻ có rối loạn phát triển” như: kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ, kiến thức tự bảo vệ bản thân trước thực trạng xâm hại, lạm dụng trẻ em; một số biện pháp can thiệp đối với trẻ tự kỷ; vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ…

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ được tổ chức thường niên nhằm tạo sự gắn kết, trao đổi giữa các bậc phụ huynh có con mắc chứng rối loạn tự kỷ cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ. Tham gia chương trình, phụ huynh đã được hỗ trợ, chia sẻ thông tin về phương pháp chăm sóc, can thiệp đối với trẻ tự kỷ; nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội đối với trẻ tự kỷ.

Dịp này, Trung tâm Hoàng Đức cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, mít tinh kỷ niệm Ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ. Tại buổi giao lưu, phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm xóa bỏ kỳ thị, cùng tìm giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị...

Nguyệt Hà

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây