Tìm hướng đi phù hợp cho học sinh khó khăn

Thứ tư - 14/12/2022 08:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Với nhiều học sinh mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi ngày được cắp sách đến trường không phải là việc dễ dàng. Tuy rất cố gắng nhưng đường đến trường của các em còn rất gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ bản thân. Bên cạnh đó, các em cần được định hướng nghề nghiệp phù hợp từ phía nhà trường và những người có trách nhiệm.

Trên thực tế, còn khá nhiều học sinh chưa biết đến hoặc chưa được tư vấn về học nghề sau THCS. Trong khi đó, việc học nghề sau THCS là phù hợp với điều kiện kinh tế của các học sinh khó khăn, đồng thời các em vẫn có cơ hội lấy bằng tốt nghiệp THPT và học lên đại học như bạn bè đồng trang lứa.

Em Trần Quang Thái (lớp 9/4, Trường THCS Tam An, H.Long Thành) trong giờ tự học ở nhà
Em Trần Quang Thái (lớp 9/4, Trường THCS Tam An, H.Long Thành) trong giờ tự học ở nhà

Gian nan đường đến trường

Chúng tôi đến nhà em Trần Quang Thái (lớp 9/4, Trường THCS Tam An, H.Long Thành) vào một buổi trưa Chủ nhật. Khi đó, Thái mới đi trồng cây cho tuyến đường nông thôn của xã về, còn mặc đồng phục Đoàn Thanh niên. Thái kể, em tham gia lớp học võ nửa năm nay, được thầy giáo dạy miễn phí và rủ em tham gia hoạt động Đoàn. Được tham gia những hoạt động cộng đồng này, Thái rất vui và hào hứng.

Thái là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em. Cha của Thái mất khi em mới 3 tuổi; 3 năm sau mẹ của em cũng qua đời. Kể từ đó đến nay, 2 chị em Thái sống cùng với ông bà nội, được ông bà yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ. Cả 2 ông bà đều là lao động tự do, công việc không ổn định. Ông nội của em khi thì làm phụ hồ, lúc làm nghề sửa xe đạp; còn bà nội em thì phụ nấu ăn cho các đám tiệc trong vùng.

Những năm gần đây, ông bà tuổi cao sức yếu nên công việc càng ngày càng ít đi, nhất là trong nửa năm trở lại đây thời gian thất nghiệp nhiều hơn thời gian đi làm. Thu nhập giảm sút trong khi việc học của Thái và chị càng ngày càng tốn kém hơn. Việc nuôi nấng 2 cháu của ông bà vì vậy mà càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Bà Cao Thị Nghiệp, bà nội của Thái tâm sự: “Cháu nó trông lớn vậy thôi, chứ còn khờ lắm. Ông bà thương cháu nên cố gắng bảo bọc cho cháu, lo cho cháu học được đến đâu thì hay đến đó. Hồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi sợ cháu bị nhiễm bệnh nên đâu có dám cho cháu đi đâu. Hồi đó dịch bệnh, ở nhà có hàng xóm cho gạo, cho rau, rồi mình đi bắt cá ăn qua ngày. Sau này, cả nhà đều bị nhiễm bệnh, nhưng rồi cũng qua được”.

Kể về việc học của 2 chị em Thái, bà Nghiệp cho hay, năm nay chị gái của Thái học lớp 12 nên phải đi học thêm nhiều môn. Ban đầu, cô bé định học thêm 4 môn nhưng ông bà chỉ lo cho học được 3 môn. “Ban đầu, con bé nói là thấy ông bà cực quá nên học hết lớp 12 sẽ đi làm phụ nội lo cho em, nhưng mà tui không cho, khuyên cháu cố gắng học tiếp” - bà Nghiệp chia sẻ.

Cần được định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện gia đình

Trần Anh Thư, chị gái của Thái cho biết, sau khi học xong lớp 12, em sẽ đi học nghề vì phù hợp với điều kiện gia đình và khả năng của bản thân. Nói về em trai, Anh Thư cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ tới giờ Thái rất trầm tính, ít nói và hầu như không có bạn bè. Từ hồi Thái đi học võ, tính tình mới bắt đầu cởi mở hơn, có bạn bè chơi chung rồi xin đi học nhóm cùng bạn. Thái chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nhưng em có nói với con là học hết lớp 9 sẽ đi học nghề, chứ không học lớp 10 THPT”.

Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đường đến trường của các em rất trắc trở và có thể sẽ bị đứt gãy bất cứ lúc nào. Đặc biệt, đối với những học sinh bị mồ côi cha, mẹ hoặc do hoàn cảnh đặc biệt mà phải sống cùng với ông, bà nội - ngoại đã già yếu, không có công việc ổn định thì nguy cơ bỏ học lại càng cao. Việc lo cho các em ăn học đến khi vào đại học là điều quá xa vời.

Vì vậy, những học sinh ở cuối bậc THCS nên được định hướng chọn lựa hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và khả năng của bản thân. Trong đó, hướng học nghề sau THCS là phù hợp, bởi tham gia học nghề sau THCS các em sẽ được hưởng chính sách miễn học phí học nghề. Cùng với học nghề, các em có thể theo học chương trình văn hóa hệ giáo dục thường xuyên.

Nếu lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, học sinh sẽ tiếp thu thuận lợi, có kỹ năng tốt và được doanh nghiệp trả lương ngay trong thời gian thực tập. Điều này sẽ giúp gia đình giảm được áp lực kinh tế. Sau 3 năm học nghề, các em có thể vừa lấy được bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề và bắt đầu đi làm ở tuổi 18 để phụ giúp gia đình. Sau khi đi làm và ổn định cuộc sống, các em vẫn có cơ hội học liên thông lên cao đẳng, đại học nếu muốn.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây