Phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ còn bất cập

Thứ ba - 13/12/2022 10:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đông Nam bộ là vùng kinh tế có truyền thống phát triển nhất cả nước, hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp biến nơi đây trở thành trọng điểm về dịch vụ Logistics của quốc gia. Tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics là rất lớn song hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố kìm hãm, làm nghẽn nhịp phát triển cả về chất lượng, số lượng doanh nghiệp trong ngành.

Kết nối địa phương là nhu cầu tất yếu cho sự phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái.
Kết nối địa phương là nhu cầu tất yếu cho sự phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái.

Tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng cơ chế để hợp tác, liên kết giữa các địa phương, đặc biệt là TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và các tổ chức, hiệp hội... là bài toán đặt ra rất bức thiết.
 
Nhộn nhịp dịch vụ Logistics
 
Theo số liệu của Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, tính đến năm 2021, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14,8 ngàn doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số DN logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP. HCM với hơn 11 ngàn DN, Bình Dương gần 1,7 ngàn và Đồng Nai có hơn 1,2 ngàn DN.

Các DN cung ứng dịch vụ logistics của Đông Nam Bộ chủ yếu là DN vận tải hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, đại lý giao nhận, vận chuyển... Trong đó, TP. HCM có sự đa dạng hơn về các dịch vụ logistics, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
 
Là khu vực có nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước, sôi động trong xuất, nhập khẩu, ngành logistics khu vực cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, nhất là việc bốc dỡ hàng hóa thông qua hệ thống hạ tầng cảng biển. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển ở TP. HCM đạt hơn 164 triệu tấn, cao hơn 40% so với quy hoạch đến năm 2020 và cao hơn 2,63% so với quy hoạch 2030, chiếm đến 23,3% sản lượng hàng hóa thông qua các các biển của cả nước. Hệ thống cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đạt 76 triệu tấn và 4,6 triệu Teus. Đồng Nai, Bình Dương cũng có năng lực bốc dỡ hàng hóa cảng biển lớn tạo thành nhóm cảng biển số 5 được quy hoạch và phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng, cấp quốc tế.
 
“Vừa có vai trò đầu tàu kinh tế, vùng Đông Nam Bộ cũng là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước. Đóng góp của vùng Đông Nam Bộ thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa” - ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam nhận định.
 
Cần có giải pháp khắc phục điểm nghẽn
 
Theo các chuyên gia, có vai trò, vị thế quan trọng để phát triển lĩnh vực logistics song hiện nay vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được khắc phục.

Toàn vùng hiện chỉ có tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang chậm triển khai. Hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 chưa hoàn chỉnh; thường xuyên tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ. Tuyến đường bộ Quốc lộ 51 cũng thường xuyên quá tải cần được nâng cấp nhanh trong khi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu phải vài năm sau mới thành hình. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất đang chờ dự án sân bay Long Thành để chia lửa.
Tuy nhiên, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất. Theo đó, các địa phương cần tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương.
 
Về phần DN cung ứng dịch vụ, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (TP. Biên Hòa) cũng chia sẻ vấn đề mà các DN gặp phải là sự thiếu đồng bộ trong phát triển dịch vụ logistics của vùng. Cùng với đó là các yếu tố khác tạo nên sự kìm hãm khiến các DN trong ngành khó bứt phá để phát triển, do đó cần xây dựng cơ chế, động lực và có nhạc trưởng để thúc đẩy phát triển hạ tầng nói chung, các yếu tố liên quan đến dịch vụ logistics nói riêng.
 
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Những vấn đề nêu trên đòi hỏi ngành logistics phải thay đổi và "chuyển mình", từ đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Tác giả: Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây