Do biến chứng sản khoa nên mẹ của Lê Chí Thuận (học sinh lớp 2/2, Trường Tiểu học Tân Triều, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) phải sống đời thực vật kể từ khi sinh ra em. Cha của Thuận định đem em đi cho nhưng cậu mợ của em đã dang rộng vòng tay đón em về cưu mang, chăm sóc. Kể từ đó, Thuận sống với cậu mợ và các anh. Đối với Thuận, cậu mợ chính là cha mẹ.
Dù không phải con ruột nhưng em lại được cưng chiều nhất nhà. Cậu mợ dù làm công nhân, đồng lương eo hẹp nhưng vẫn lo cho Thuận và 4 người con ăn học đàng hoàng.

Dù mồ côi mẹ, cha bỏ đi nhưng Lê Chí Thuận, học sinh lớp 2/2, Trường Tiểu học Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) đã được bù đắp nhờ sự cưu mang, yêu thương của cậu mợ
Dù mồ côi mẹ, cha bỏ đi nhưng Lê Chí Thuận, học sinh lớp 2/2, Trường Tiểu học Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) đã được bù đắp nhờ sự cưu mang, yêu thương của cậu mợ
Dang rộng vòng tay yêu thương
Người ta nói “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” nhưng với em Lê Chí Thuận, học sinh lớp 2/2, Trường Tiểu học Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) thì người cưu mang, yêu thương em hết mực lại là cậu mợ. Trong đó, người mợ dù “khác máu” nhưng đã đón nhận, đùm bọc và chăm sóc cho Thuận từ khi lọt lòng, coi em không khác gì con ruột. Người mợ đó chính là chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, hiện làm công nhân tại công ty Changshin (H.Vĩnh Cửu).
Chị Hoàng kể, mẹ của Thuận sức khỏe không tốt nên gặp nhiều khó khăn khi mang thai em. Đến tháng cuối của thai kỳ thì sức khỏe càng giảm sút, đến ngày sinh thì bị tai biến sản khoa. Khi đó, cha của Thuận định đem em đi cho người ta. Nghe đến dự định này của người em rể, chị Hoàng đã chủ động bàn với chồng đón cháu về chăm sóc, nuôi nấng.
“Tôi có 4 con rồi nhưng nghĩ thương cháu quá nên quyết định đưa cháu về nuôi. Mình nuôi con mình sao thì nuôi cháu vậy. Kệ, nghèo thì cũng nghèo rồi, chứ cho cháu đi thì tội nghiệp nó quá”, chị Hoàng tâm sự.
Vậy là vợ chồng chị Hoàng đón Thuận từ bệnh viện về. Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, chị Hoàng phải xin nghỉ việc 4 tháng để ở nhà “nuôi con mọn”. Phần về mẹ Thuận, sau khi nằm liệt 1 chỗ được 13 tháng thì qua đời. Kể từ ngày đó, cha của em cũng bỏ đi và chưa một lần về thăm nom hay hỏi han gì đến Thuận. Vì thế, đối với Thuận cậu mợ chính là cha mẹ.
Trong ký ức của Thuận, chị Hoàng là mẹ, còn người mẹ đã mất Thuận gọi là “cô Út”. Chị Hoàng cũng đối đãi với Thuận như con ruột. Vì Thuận nhỏ nhất nhà nên có phần được ưu tiên hơn so với các anh. Hàng ngày, chị Hoàng đưa Thuận đi học, lo cho Thuận ăn sáng xong rồi mới đi làm. Buổi trưa các anh sẽ phụ trách đón Thuận về rồi chỉ cho em học bài. Được sống trong tình yêu thương, đùm bọc nên cậu bé này rất vui vẻ, tự tin, lanh lẹ. Thuận nói rằng: “Mai mốt lớn con làm bác sĩ để kiếm tiền nuôi mẹ”.
Gắng gượng nuôi các con ăn học nên người
Chia sẻ về gánh nặng kinh tế gia đình, chị Hoàng tâm sự: “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân nên việc nuôi 5 đứa con ăn học thật sự rất khó khăn. Hiện nay, tôi có 2 đứa đang học đại học, 1 đứa học lớp 12, còn 1 đứa nhỏ đang phải tạm nghỉ 1 năm, tôi dự định năm học sau sẽ cho cháu đi học nghề, còn Thuận thì đang học lớp 2. Nhiều đêm nằm nghĩ về việc học hành của các con mà rầu lắm, không biết có lo nổi cho tụi nhỏ hay không”.
Với từng ấy người con đều đang tuổi ăn học, đầu năm học, vợ chồng chị phải chạy vạy để đóng gần 40 triệu đồng học phí cho các con, chưa kể các chi phí khác. Năm sau, nếu thêm cả người con trai thứ 3 lên đại học thì gánh nặng học phí sẽ càng nặng thêm. Trong khi đó nguy cơ mất việc lại đang hiển hiện trước mắt.
“Sau dịch Covid-19, đơn hàng của công ty bị cắt giảm nên việc làm bị ít lại. Tháng 12 này tôi sẽ phải nghỉ 4 ngày. Qua Tết sẽ phải nghỉ nhiều hơn. Thậm chí công ty đang phải giảm dần lao động, nhiều người có nguy cơ sẽ mất việc làm, nhất là những người thuộc hàng lớn tuổi như tôi, tôi làm tại công ty được 20 năm rồi” - chị Hoàng lo lắng.
Nhưng người phụ nữ nhân hậu này cũng nói rằng, dù thế nào thì cũng sẽ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Riêng phần Thuận nhỏ nhất nhà, sau này cha mẹ không còn sức nuôi nữa thì sẽ nhờ các anh hỗ trợ vì khi đó các anh đều đã có công ăn việc làm.