Cũng theo vị đại diện này, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tỷ lệ lao động quay trở lại công ty làm việc khá cao, trên 90% nhưng công ty vẫn cần lượng lớn lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô và bù đắp cho số lao động nghỉ thai sản. Cụ thể, năm 2019, công ty cần khoảng 3.000 lao động mới. Trước mắt, trong quý I, công ty cần 1.000 lao động. Công ty có chế độ ưu tiên cho lao động có tay nghề nhưng cũng không giới hạn độ tuổi, trình độ. Chỉ cần trong độ tuổi lao động và đủ sức khỏe theo quy định là tuyển dụng.
Còn tại Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam, Chủ tịch CĐCS công ty Mai Thị Hương cho biết, công ty hiện có rất nhiều đơn hàng và đơn hàng khá ổn định. Hiện tại công ty đang cần gấp 1.000 lao động phân đều cho các xưởng. Nhận định của công ty là ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Lí do là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp gia công đón nhận được nhiều đơn hàng hơn, mở rộng quy mô hơn. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư mới lĩnh vực này vào Đồng Nai cũng tăng hơn trước. Vì vậy áp lực cạnh tranh nhân lực lại càng tăng lên làm doanh nghiệp dệt may vốn đã khó khăn trong tuyển dụng nay lại phải đổi mặt với nhiều thách thức hơn trong việc giữ chân người lao động. Thay vì ngồi chờ người lao động đến nộp hồ sơ như trước đây, công ty đã tận dụng tối đa các kênh tuyển dụng, bao gồm cả trên mạng internet, nhờ các nhân viên, công nhân chia sẻ thông tin rộng rãi trên mạng xã hội, thông qua các công ty môi giới lao động, lẫn tuyển dụng trực tiếp tại nhiều nơi.
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, từ nay đến hết quý I, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển khoảng 30.000 lao động, trong đó nhu cầu lao động phổ thông chiếm hơn 90%. Một số doanh nghiệp khối ngành dệt may, da giày cần tuyển lao động với số lượng lớn là: Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cần tuyển hơn 4.500 lao động, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) tuyển 3.000 lao động, Công ty TNHH Hwaseung Vina (khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch) Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (khu công nghiệp Long Bình) tuyển khoảng 1.500 người... Nhiều doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch tuyển dụng từ 100 đến dưới 1.000 lao động trong năm 2019. Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc tuyển dụng lao động với số lượng lớn do xây dựng thêm nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Chỉ một số ít thay thế cho lao động không quay trở lại làm việc sau Tết.
Giải pháp để ổn định sản xuất
Chú trọng tuyển dụng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, đầu tư công nghệ để tăng năng suất là những giải pháp mà các doanh nghiệp gia công đang áp dụng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam cho biết, ngoài việc trả lương cao hơn quy định mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ là 5,24 triệu đồng/tháng đối với lao động thử việc và 5,55 triệu đồng/tháng đối với lao động ký hợp đồng, công ty còn có nhiều khoản phúc lợi cao hơn luật đối với người lao động. Cộng các khoản phụ cấp, trợ cấp và phúc lợi tăng thêm, góp phần nâng thu nhập từ 6,8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người. Ngoài ra, công nhân có tay nghề may được cộng thêm tối đa 600.000 đồng/tháng. Hàng năm công nhân ưu tú được công ty xét chọn để đi du lịch nước ngoài. Hàng tháng, công ty khen thưởng công nhân có những sáng kiến, sáng tạo... Bên cạnh đó công ty có các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động như tổ chức du lịch, hội thao hằng năm. Đặc biệt tháng 4-2019 này, công ty sẽ tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng với 500 phần quà, trong đó có 20 xe máy, hàng chục ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động nhân dịp kỷ niệm thành lập công ty.
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, việc thiếu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây là khá phổ biến. Lý do số lượng doanh nghiệp ngày một tăng, nhu cầu tuyển dụng lao động ngày một nhiều, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều hình thành các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp cũng có xu hướng mở chi nhánh về nơi có nhân công tại chỗ. Điều này không chỉ làm cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào miền Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng giảm so với những năm trước mà còn kéo một bộ phận lao động đang làm việc ở Đồng Nai về quê. Bên cạnh những giải pháp nhằm ổn định sản xuất nói trên, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động từng bước quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân để họ yên tâm làm việc thông qua các khoản phúc lợi, phụ cấp, trợ cấp hàng tháng và nhiều hoạt động chăm lo khác về mặt tinh thần.
Đó cũng là lý do bên cạnh những doanh nghiệp khó tuyển lao động thì cũng có những doanh nghiệp người lao động “xếp hàng” nộp hồ sơ. Bởi ở những doanh nghiệp đó, có chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt, người lao động được trọng dụng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay đã có hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia sàn giao dịch việc làm đầu tiên trong năm Kỷ Hợi được tổ chức ngày 25-2 tới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) với nhu cầu tuyển hơn 1.000 lao động phổ thông. Ngành nghề tuyển lao động nhiều nhất là: may mặc, giày da, đồ gỗ. Để kết nối cung cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm cố định và lưu động tại các địa phương, trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Sở LĐ-TBXH cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm lao động ở các địa phương khác
Lê An