Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em được giám sát chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội các cấp; khẳng định rõ vai trò đại diện bảo vệ hợp pháp quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em…
Nội dung giám sát thiết thực, chặt chẽ
Nhận thấy an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng được mỗi phụ nữ và toàn xã hội quan tâm, đồng thời bám sát chủ đề “Phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm”, Hội LHPN huyện Long Thành đã chọn nội dung giám sát công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường mầm non trên địa bàn để thực hiện. Huyện hội đã lập đoàn trực tiếp giám sát tại 3 trường mầm non: Phước Thái, Phước Bình và Long Thành; đồng thời đề nghị các trường mầm non còn lại gửi kết quả tự giám sát về Huyện hội.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Thành Mai Thị Huệ cho biết, qua giám sát, các đơn vị đều chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện để đoàn tham quan, kiểm tra thực tế tại các bếp ăn và kiểm tra nhanh các dụng cụ chế biến. Đoàn đã thẳng thắn góp ý những vấn đề còn hạn chế và ghi nhận, chia sẻ những khó khăn của các trường. Theo đó, đa phần các trường đều xây dựng bếp ăn theo hệ thống bếp 1 chiều, cơ bản đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, con người và đều quan tâm đến an toàn thực phẩm, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường học chưa được đảm bảo và quản lý chặt chẽ; một số trường còn thiếu nhân viên y tế nên việc theo dõi sức khỏe của các trẻ và vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; phòng học, phòng ăn, phòng ngủ của trẻ còn sử dụng chung nên ảnh hưởng đến vệ sinh và sinh hoạt của trẻ…
Từ thực tế trên, đoàn giám sát đã tổng hợp ý kiến, giải đáp những vướng mắc của cơ sở trong thẩm quyền và gửi kiến nghị về các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng nhận thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong khối các trường mầm non.
Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Khang trao bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218.
Hội LHPN huyện Trảng Bom lựa chọn giám sát việc thực hiện hai Nghị quyết số 33 và 78 của HĐND tỉnh về thực hiện phụ cấp đối với trưởng các đoàn thể ấp, khu phố tại hai xã Tây Hòa và An Viễn. Qua nắm bắt tình hình từ cơ sở, khi 2 quyết định này có hiệu lực từ tháng 8-2017, các địa phương này cho rằng, việc cấp kinh phí phụ cấp cho trưởng đoàn thể, ấp, khu phố thì không cấp kinh phí hoạt động cho chi hội, ấp, khu phố nữa. Do đó, năm 2018, Hội LHPN huyện đã báo cáo thường trực Huyện ủy, lập đoàn giám sát đối với việc triển khai thực hiện hai Nghị quyết này.
Kết quả giám sát cho thấy, bộ phận tham mưu giúp việc đã không hiểu rõ nội dung dẫn tới áp dụng không đúng. Sau giám sát của Hội và các đoàn thể tại xã Tây Hòa và An Viễn, các trưởng ấp, khu phố đã được truy lĩnh kinh phí hoạt động theo quy định; đồng thời các xã khác thực hiện chưa đúng cũng kip thời điều chỉnh theo đúng theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo bà Thanh Mai, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trảng Bom, để lựa chọn được vấn đề sát với thực tiễn công tác Hội và gần gũi với quyền, lợi ích của chị em đòi hỏi phải tăng cường công tác nắm bắt cơ sở, trao đổi thông tin đa chiều, qua nhiều kênh để chắt lọc thông tin. Sau khi lựa chọn được nội dung, quá trình giám sát phải đảm bảo thành phần theo quy định và đặc biệt là sau giám sát phải có kiến nghị rõ ràng, khi cần phải phúc tra lại kết quả đã giám sát…
Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 13 đoàn giám sát, tổ chức giám sát 12 chính sách, pháp luật; Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố giám sát trên 300 nội dung, phối hợp tham gia 78 đoàn giám sát; Hội LHPN cấp xã tổ chức giám sát 1.880 nội dung, thành lập 57 đoàn giám sát và phối hợp tham gia 270 nội dung giám sát.
“Những kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Đối với những nội dung giám sát có thể chấn chỉnh thực hiện ngay, các đoàn giám sát đã đề nghị và yêu cầu phải được tiến hành trong thời gian quy định, từ đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị em phụ nữ và trẻ em; đồng thời tạo niềm tin và khẳng định vai trò của tổ chức Hội đối với các tầng lớp phụ nữ”, bà Thái nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong quá trình thực hiện, vấn đề phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn, việc phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền các cấp, nhất là từ cấp huyện đến cơ sở chưa chặt chẽ, nhiều nơi chính quyền địa phương còn giao cho Hội LHPN cùng cấp báo cáo kết quả giám sát mặc dù đối tượng giám sát không phải là Hội LHPN. Mặt khác, các cấp Hội cơ sở còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát, đối tượng, hình thức giám sát; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế…
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Khang cho rằng, để triển khai hiệu quả quyết định của Bộ Chính trị trong thực tiễn, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở tập trung lựa chọn những vấn đề, các nội dung phù hợp để giám sát. Những nội dung lựa chọn giám sát phải thiết thực với các cấp Hội và được các tầng lớp phụ nữ quan tâm, sát với thực tế hoạt động của Hội, nhất là việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ và trẻ em.
Bám sát sự quan tâm của hội viên phụ nữ
Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu tới các tổ chức Hội, hội viên về các chính sách pháp luật, quy định, nhất là văn bản mới về giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm thiết thực, lựa chọn những nội dung giám sát phù hợp thực tế công tác Hội và sự quan tâm của chị em; nâng cao vai trò và khả năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong giai đoạn mới.
N. Trinh
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập