Sau hơn 3 tháng dồn hết sức lực cho công tác phòng, chống dịch, đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Số bệnh nhân tử vong, bệnh nặng, nguy kịch giảm nhiều.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mở rộng khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Chạy đua với thời gian
Nhớ lại quãng thời gian đầu khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, từ chùm ca bệnh tại H.Thống Nhất liên quan đến ổ dịch là các chợ đầu mối ở TP.HCM, hệ điều trị bắt đầu vào cuộc mạnh mẽ. Thời điểm đó, số ca bệnh ở H.Thống Nhất tăng ngày càng nhiều, trong khi Bệnh viện Phổi Đồng Nai (bệnh viện duy nhất trong tỉnh ở thời điểm đó tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19) lại nằm ở TP.Biên Hòa, quãng đường di chuyển khá xa. Lúc này, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận 1 ngàn bệnh nhân, sau đó là 5 ngàn, 10 ngàn bệnh nhân Covid-19.
Để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Trung tâm Y tế H.Thống Nhất được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Dã chiến số 1, chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, chủ yếu trên địa bàn H.Thống Nhất và các địa phương lân cận. Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cũng được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Song song đó, Sở Y tế liên tục phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát các ký túc xá của các trường học trên địa bàn tỉnh để thiết lập thêm các bệnh viện dã chiến. Lần lượt trong thời gian rất ngắn, các bệnh viện dã chiến số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 được thành lập. Mới đây, Bệnh viện Dã chiến số 11 đặt tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) với quy mô 3 ngàn giường bệnh cũng đã đi vào hoạt động, nâng tổng số giường điều trị của các bệnh viện dã chiến trong tỉnh lên gần 9 ngàn giường.
“Không ít bệnh viện dã chiến ngày trước đi vào hoạt động ngày sau đã đầy ắp bệnh nhân, thậm chí có thời điểm toàn tỉnh chỉ còn trống vài chục giường bệnh, gây áp lực rất lớn lên công tác điều trị. Sở Y tế phải huy động tất cả cán bộ, nhân viên của Sở và các lực lượng khác để dọn dẹp suốt ngày đêm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết ở các bệnh viện dã chiến nhằm nhận bệnh trong thời gian sớm nhất, giảm quá tải cho các cơ sở khác” - BS Trung chia sẻ.
Thiếu đủ thứ
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, thời điểm ban đầu khi thành lập Khu hồi sức tích cực với quy mô 70 giường, bệnh viện gặp vô vàn khó khăn, nhân lực chỉ có vài bác sĩ hồi sức, trang thiết bị, máy móc thiếu rất nhiều, đặc biệt là máy thở. 1 bác sĩ chuyên hồi sức sau khi tăng cường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã bị nhiễm Covid-19 khiến nhân lực đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng vừa thực hiện công tác khám, chữa bệnh thông thường, vừa thành lập khu hồi sức tích cực ở Khoa Nhiễm với quy mô 30 giường bệnh, đảm nhiệm công tác chuyên môn ở Bệnh viện Dã chiến số 2 (ký túc xá cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng, TP.Biên Hòa), Bệnh viện Dã chiến số 8 (ký túc xá Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2, H.Long Thành) cùng nhiều hoạt động phòng, chống dịch khác như: tiêm vaccine, lấy mẫu, xét nghiệm…
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cũng được giao phụ trách chuyên môn ở Bệnh viện Dã chiến số 6 (ký túc xá Trường đại học Đồng Nai) với quy mô 1,2 ngàn giường bệnh, là bệnh viện dã chiến có quy mô lớn nhất ở thời điểm đó.
Cấp tốc dọn dẹp để đưa các Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động
Chuyển từ “thời bình” sang “thời chiến”
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đinh Cao Minh chia sẻ, giai đoạn đầu khi khu hồi sức bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện mới đi vào hoạt động, số bệnh nhân tăng nhanh, diễn biến suy hô hấp nhanh, tử vong nhiều khiến các y, bác sĩ vô cùng căng thẳng. Toàn khu hồi sức có 30 giường bệnh nhưng mới chỉ có 10 máy thở chức năng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc 20 bệnh nhân còn lại không có cơ hội thở máy, phải thở oxy hoặc oxy cao áp.
“Do lúc đầu các y, bác sĩ chưa có kinh nghiệm, việc chuyển bệnh từ tuyến dưới lên chưa chuẩn, chậm trễ, lại thiếu nhiều máy móc, bệnh trở nặng rất nhanh nên bệnh viện khó trăm bề” - BS Đinh Cao Minh kể.
BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tâm sự, chưa bao giờ chúng ta chống dịch với quy mô lớn như vậy, phải chuẩn bị hết mọi thứ từ đầu nên lúc đầu anh em chưa quen. Chúng ta đang từ “thời bình”, tức là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân không cần phải mặc đồ bảo hộ, không phải đeo khẩu trang N95 và găng tay, chuyển sang “thời chiến” với cách làm hoàn toàn mới. Tất cả nhân viên y tế phục vụ trong khu hồi sức bệnh nhân Covid-19 phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, đeo khẩu trang N95 suốt cả buổi.
Những ngày đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, có nhiều nhân viên y tế chưa quen, mới mặc đồ bảo hộ vào đã xây xẩm mặt mày, muốn ngất xỉu. Số bệnh nhân tăng rất nhanh, những bệnh rất nặng từ khắp nơi chuyển về gây tâm lý không tốt cho anh em. Trang thiết bị lúc đầu cũng chỉ có 6 máy thở, thiếu rất nhiều.
Việt Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập