Cứu nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng khỏi “tử thần”

Thứ bảy - 09/10/2021 14:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Với nhiều cố gắng, nỗ lực cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện K71, các bệnh viện trong tỉnh đã cứu sống được nhiều bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. 
z2830709863580_280707da9f7d3ba3acdefc1653ff023abv.jpg
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. 
Ngoạn mục cứu những ca “bất thường”
Đầu tháng 8-2021, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân N.T.V., 19 tuổi, đang mang thai 30 tuần trong tình trạng suy thai, suy hô hấp nặng, viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV-2 bội nhiễm. Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu, thở co kéo, được đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập.
Lúc này, phòng mổ dành cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện chưa được lắp đặt xong. Với quyết tâm phải cứu sống cả mẹ và con, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca mổ bắt con cho bệnh nhân ngay tại giường bệnh. Em bé nặng 1,6kg được đưa sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để theo dõi, chăm sóc. Bệnh nhân T.V. ngay sau đó được tiến hành can thiệp ECMO (máy tim phổi nhân tạo), thở máy, siêu lọc máu liên tục. Đây là ca ECMO đầu tiên của tỉnh.
BS Cao Duy Tùng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân T.V., các y, bác sĩ phải theo dõi sát sao, điều chỉnh đông máu hàng giờ để tránh xảy ra nguy cơ chảy máu và đông máu cùng lúc.
Mọi việc trở nên khó khăn khi ngày thứ 5 sau khi đặt ECMO, ống thông của bệnh nhân xuất hiện dịch máu. Cả ê kíp phải cố gắng theo dõi sát tình trạng mất máu, kiểm soát đông máu. Đến khi tình trạng chảy máu được kiểm soát thì bệnh nhân lại có dấu hiệu tràn khí màng phổi bên phải. Sau 2 ngày đặt ống dẫn lưu khí khoang màng phổi, phổi của bệnh nhân T.V. đã nở tốt và rút được ống dẫn lưu.
Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về hồi sức của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện K71, sau 3 tuần can thiệp ECMO, bệnh nhân V. có chuyển biến tốt, tình trạng viêm nhiễm giảm, rối loạn đông máu và viêm phổi được cải thiện, tỉnh táo, được cai máy ECMO, chuyển thở HFNC, thở oxy kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp. Gần cuối tháng 9 vừa qua, bệnh nhân V. đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình, các y, bác sĩ…
Trường hợp can thiệp ECMO thứ 2 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là bệnh nhân nữ, 28 tuổi. Bệnh nhân bị bệnh Covid-19 rất nặng, có tình trạng đông máu. Kết quả siêu âm thấy có huyết khối trong buồng tim.
“Lúc này máy ECMO duy nhất của chúng tôi đang sử dụng cho bệnh nhân T.V. Nhưng không thể để bệnh nhân chết, chúng tôi đã mượn máy ECMO của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để can thiệp cho bệnh nhân. Đến nay, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt. Cả 2 ca ECMO đều thành công là niềm vui, hạnh phúc cũng như động lực để các y, bác sĩ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cứu người” - TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay.
z2830709686429_0150499900404766704d7c7a870beb6c.jpg
Bệnh nhân N.T.V. xuất viện sau hơn 1,5 tháng được điều trị tích cực.
Luôn trong tư thế “trực chiến”
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Khu Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, BS Tô Duy Yên tâm sự, trong các thể loại cấp cứu thì cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp phải khẩn trương nhất, bởi nếu chậm trễ, bệnh nhân rất dễ tử vong. Tại khu hồi sức, cả bác sĩ và điều dưỡng đều phải làm việc cật lực, có khi lên tới 200 % sức lực. Để hỗ trợ nhau, sau khi khám bệnh xong, bác sĩ sẽ làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân ăn, uống nước…
 “Cho người đang thở mặt nạ oxy ăn không khác gì trò ú tim. Gỡ mặt nạ cho ăn được vài thìa họ đã lăn ra suy hô hấp dữ dội. Chưa bao giờ chúng tôi thấy dạng khó thở dữ dội đến thế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là người bệnh nặng vừa, còn với bệnh nhân nặng hơn, các y, bác sĩ phải đặt ống dạ dày để bơm sữa nuôi ăn. Nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng. Song, đợt dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó” - BS Yên nói.
Còn với việc uống nước, bệnh nhân khó thở, thở gấp suốt ngày, cùng với thở oxy dòng cao, mất nước rất nhiều. Có người “khô” lại, máu cô đặc, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Người bệnh tất cả đều rất khát. Ai còn khỏe tự uống nước được thì uống rất nhiều nước. Tuy nhiên, đang phải thở oxy thì uống nước còn khó hơn ăn, nhiều người môi khô nứt nẻ nhưng vướng mặt nạ oxy không uống được, nước đổ tung tóe mà không vào miệng.
Bên cạnh những đau thương, mất mát không nói hết nên lời, các y, bác sĩ ở khu hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng cũng có niềm vui và niềm tin chiến thắng.

 

Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây