Tuyệt đối không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Thứ hai - 27/02/2023 08:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thông tin từ Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa, thành phố vừa ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Cụ thể, bệnh nhân nhi là P.M.Đ (8 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Nai được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue, hiện bệnh nhân đã được xuất viện.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Sau khi phát hiện ca bệnh trên, Trung tâm Y tế TP.Biên Hoà đã tiến hành điều tra ổ dịch là nơi bệnh nhân sinh sống, qua đó phát hiện chỉ số nhà có muỗi và lăng quăng là 23%, chỉ số vật chứa lăng quăng là 20%.
Để chủ động khống chế không để dịch lây lan, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa đã chủ động phun hoá chất diệt muỗi kết hợp diệt lăng quăng, giám sát côn trùng tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.

Như vậy kể từ đầu năm đến nay, TP. Biên Hoà đã ghi nhận gần 100 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong, trong đó riêng tháng 1 đã có hơn 70 ca mắc, thành phố cũng đã phát hiện 8 ổ dịch sốt xuất huyết. Mặc dù hiện Đồng Nai và các tỉnh miền Nam đang mùa khô nhưng dịch sốt xuất huyết đã ghi nhận số ca mắc tăng và vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi tuần người dân hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên đậy nắp kín bể, lau rửa các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Biên Hòa
Tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Biên Hòa

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây