Điểm tựa đáng tin cậy của người dân vùng xa

Thứ hai - 27/02/2023 08:11
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Với những người dân lao động vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ở các bệnh viện đặt tại những thành phố lớn rất khó khăn. Bên cạnh rào cản về quãng đường di chuyển, thời gian, người dân vùng xa gặp rào cản rất lớn về chi phí. Thấu hiểu những khó khăn, nguyện vọng của người dân, nhiều trạm y tế trong tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng dự phòng, khám chữa bệnh. Qua đó, giúp điều trị hiệu quả những bệnh thông thường cho người dân. Chỉ những trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn mới phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trạm Y tế xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ là một trong số đó.

Người dân đến trạm y tế để được khám bệnh
Người dân đến trạm y tế để được khám bệnh

Đi lên từ gian khó

Với xuất phát điểm vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhân lực, đến nay, Trạm Y tế xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) đã có nhiều chuyển biến tích cực, được xem là điểm sáng trong số 13 Trạm y tế của H.Cẩm Mỹ.
BS CKI.Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, tập thể cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã Sông Nhạn đã chung sức, đồng lòng, đoàn kết triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Từ đó góp phần cùng toàn huyện đẩy lùi được dịch bệnh trên địa bàn. Ngoài ra, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 được trạm đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 các mũi trên địa bàn xã Sông Nhạn đứng thứ 2 trong số 13 xã, thị trấn của huyện. H. Cẩm Mỹ cũng là địa phương có tỷ lệ bao phủ các mũi vaccine phòng Covid-19 cao nhất tỉnh.
BS Phạm Tấn Lộc, Trưởng Trạm Y tế xã Sông Nhạn chia sẻ, trạm hiện có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 cán bộ dân số. Toàn xã có hơn 10 ngàn dân, sinh sống rải đều ở 8 ấp. Mặc dù dân số không quá đông nhưng địa bàn xã rộng, đường sá đi lại khó khăn, từ trạm y tế đến ấp xa nhất trong xã là 10km. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của trạm. Do đó, cán bộ, nhân viên trong trạm phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Riêng với nhiệm vụ tiêm vaccine phòng Covid-19, trạm y tế đã thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vaccine bằng loa; thông qua các cộng tác viên y tế tại các ấp để phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Trạm y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong xã, các ấp để đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Lâu dần, người dân hiểu được lợi ích của tiêm vaccine và tự giác đến các điểm tiêm để tiêm phòng. Quá trình triển khai tiêm vaccine, an toàn tiêm chủng luôn được trạm y tế quan tâm, đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Các phương án về sơ, cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có) được chuẩn bị chu đáo.
Công tác tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên được trạm chú trọng. Tỷ lệ trẻ em và phụ nữ mang thai được tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn xã ngày càng tăng. Nhờ đó mà mấy chục năm qua, trên địa bàn xã Sông Nhạn chưa xảy ra dịch bệnh lớn nào.

Nhân viên y tế của trạm y tế xã Sông Nhạn soạn thuốc để phát cho bệnh nhân
Nhân viên y tế của trạm y tế xã Sông Nhạn soạn thuốc để phát cho bệnh nhân

Để người dân an tâm khi đến trạm

Về lĩnh vực điều trị, đến nay có 91,4% dân số trong xã đã tham gia BHYT. Công tác khám chữa bệnh BHYT ban đầu cho người dân tại trạm ngày càng được đổi mới. Mỗi ngày, Trạm Y tế xã Sông Nhạn khám cho từ 10-15 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây và một số bệnh thường gặp như: cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, xoang, test tiểu đường, tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần, cơ xương khớp… Ngoài ra, trạm cũng khám phụ khoa, đỡ đẻ cho sản phụ tại trạm.
Anh Lê Quang Trí (37 tuổi, ngụ ấp 2, xã Sông Nhạn) cho biết, anh và mọi người trong gia đình đều tham gia BHYT và có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế xã. Do bản thân bị bệnh tăng huyết áp, mỗi khi mệt mỏi anh lại đến trạm để khám và được nhân viên y tế phát thuốc về nhà uống. Khi đến trạm, anh được bác sĩ khám và dặn dò chu đáo, mọi chi phí khám và thuốc men đều được bảo hiểm chi trả, không mất bất cứ khoản chi phí nào.
“Chúng tôi xác định trạm y tế là cơ sở gần dân nhất, hiểu dân nhất nên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới thái độ phục vụ để chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương ngày càng tốt hơn. Từ đó, giúp người dân không phải di chuyển đường sá xa xôi lên các bệnh viện tuyến trên chỉ để khám những bệnh thông thường, giảm tối đa chi phí, công sức, thời gian. Chỉ khi nào người dân mắc bệnh nặng, trạm y tế không xử lý được sẽ nhanh chóng hỗ trợ thủ tục để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” - BS Lộc bộc bạch.
Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Sông Nhạn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây