Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa phẫu thuật nội soi tán sỏi, lấy sạch sỏi thận 2 bên trái phải và sỏi niệu quản phải cho một bệnh nhân nam. Nhờ đó đã kịp thời ngăn chặn suy thận cấp cho bệnh nhân.

BS CKII.Nguyễn Văn Truyện kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
BS CKII.Nguyễn Văn Truyện kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Bệnh nhân là ông N.T.B., 42 tuổi, ngụ tại H. Trảng Bom, nhập viện trong tình trạng đau tức vùng lưng, tiểu rất ít và mất ngủ. Sau khi thăm khám và kiểm tra cận lâm sàng, kết quả cho thấy bệnh nhân bị sỏi cả 2 thận, thận ứ nước độ 3 và sỏi niệu quản bên phải có nguy cơ suy thận cấp.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên do bệnh nhân có nhiều bệnh nền như: tim mạch, gan nhiễm mỡ, thể trạng mập, nên các bác sĩ đã hội chẩn chọn phương án mổ vừa lấy sạch sỏi cũng như đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. BS CKII.Nguyễn Văn Truyện, khoa Ngoại sản liên chuyên khoa đã thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng máy tán sỏi Laser và phương pháp Mini PCNL bằng máy công suất cao.
Theo BS Truyện, sỏi thận và niệu quản là một trong những bệnh lý thường gặp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là ở những người có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động hoặc tiền sử bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Khi có triệu chứng như: đau lưng, tiểu ra máu, tiểu ít hoặc khó tiểu cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng.
Để ngăn ngừa sỏi thận và giảm nguy cơ tái phát, người bệnh cần uống đủ nước, uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày sẽ giúp tăng lượng nước tiểu, giảm tập trung các chất gây sỏi trong niệu quản, từ đó giảm nguy cơ, tái phát sỏi thận. Ổn định cân nặng, cân nặng quá lớn có thể tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Do đó, cần duy trì cân nặng ở mức ổn định bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên. Hạn chế ăn uống giàu oxalate, các thực phẩm giàu oxalate bao gồm rau cải, cà chua, đậu và một số loại trái cây. Việc hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này có thể giảm nguy cơ tái phát sỏi thận. Kiểm soát huyết áp, bệnh nhân bị huyết áp cao có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn. Do đó, cần kiểm soát huyết áp ở mức ổn định để giảm nguy cơ mắc sỏi thận. Điều chỉnh các thuốc sử dụng, các loại thuốc như: vitamin D, corticoid và một số loại thuốc giảm đau có thể tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Việc điều chỉnh liều lượng và sử dụng các thuốc này theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giảm nguy cơ mắc sỏi thận.

Uống đủ nước là 1 trong những biện pháp phòng ngừa bệnh sỏi thận
Uống đủ nước là 1 trong những biện pháp phòng ngừa bệnh sỏi thận