Tháo gỡ khó khăn liên quan đến khám, điều trị cho bệnh nhân HIV

Chủ nhật - 18/12/2022 16:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BHXH tỉnh và các Trung tâm y tế trong tỉnh về công tác điều trị HIV/AIDS, HIV/lao, HIV/viêm gan C, thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV từ nguồn BHYT… trên địa bàn tỉnh.

Đại diện đoàn công tác của Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện đoàn công tác của Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc

Toàn tỉnh có khoảng 6,6 ngàn người nhiễm HIV

Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 6,6 ngàn người nhiễm HIV. TP.Biên Hòa là địa phương có số ca nhiễm HIV cao nhất với hơn 2 ngàn ca, tiếp đến là Long Thành, Trảng Bom. Số ca nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới và tập trung ở nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác điều trị HIV trên địa bàn tỉnh gặp một số hạn chế. Tỉnh Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, tiếp giáp với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tình hình di biến động của người dân từ tỉnh này sang tỉnh khác kéo theo sự gia tăng của nhóm đối tượng nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm, đồng tính nam… khiến công tác quản lý số người nhiễm HIV trên địa bàn rất khó. Bệnh nhân tham gia điều trị ARV tại các phòng khám OPC trên địa bàn tỉnh khi tham gia điều trị thường khai báo địa chỉ tạm trú nên khi xác minh tại địa bàn không tìm thấy bệnh nhân tại địa bàn do bệnh nhân đã di chuyển đi nơi khác. Thông tin mà bệnh nhân cung cấp chưa đầy đủ, địa chỉ không rõ ràng khiến công tác rà soát, tổng hợp số liệu người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh mới đạt 92,6%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT như không có đủ giấy tờ tùy thân, không có nhu cầu mua thẻ BHYT dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn. Việc thực hiện xét nghiệm tải lượng virus qua nguồn BHYT còn chậm. Nhiều cơ sở điều trị chưa hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị thực hiện xét nghiệm và chưa hoàn thiện thủ tục với phía cơ quan BHXH.

Thanh toán thuốc ARV qua nguồn BHYT mới mở rộng triển khai tại 9/10 cơ sở, gặp khó khăn do mới triển khai thực hiện.

Ngoài ra, công tác cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS cũng gặp khó khăn liên quan đến vấn đề xét nghiệm cận lâm sàng. Các bệnh nhân có thẻ BHYT có nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở các đơn vị khác dẫn đến khi bệnh nhân muốn sử dụng thẻ BHYT để đăng ký khám, điều trị tại các phòng khám chuyên khoa HIV đều phải sử dụng giấy chuyển tuyến. Một số bệnh nhân lo lắng bị lộ thông tin nên không thực hiện yêu cầu của phòng khám mua thẻ BHYT và xin giấy chuyển tuyến dẫn đến phòng khám phải cấp thuốc viện trợ theo tuần.

Nguồn thuốc ARV và sinh phẩm, hóa chất phục vụ xét nghiệm tải lượng virus HIV ở một số thời điểm bị thiếu, ảnh hưởng đến quá trình cấp phát thuốc và điều trị của bệnh nhân.

Khám, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Khám, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Mục tiêu 100% bệnh nhân HIV tham gia BHYT.

Ông Phan Văn Toàn đề nghị tỉnh Đồng Nai cần lưu ý trong việc thống kê tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT trên địa bàn cho đúng đối tượng theo quy định. Với những trường hợp chưa có giấy tờ tùy thân để mua thẻ BHYT, đề nghị Sở Y tế báo cho cơ quan công an, gửi BHXH tỉnh để tháo gỡ hoặc kiến nghị BHXH Việt Nam tháo gỡ. Qua đó nhằm hướng đến mục tiêu 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Ngoài ra, Sở Y tế cần hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định chuyển tuyến của Bộ Y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh HIV được chuyển đến đúng nơi cần điều trị. Việc gửi mẫu xét nghiệm HIV cần thực hiện theo đúng quy định.

Về vấn đề vượt tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144 để tháo gỡ. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện. Riêng về vượt tổng mức thanh toán chi phí năm 2019, 2020, Bộ Y tế mới đây cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 146 theo hướng thực thanh, thực chi.


Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây