Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 43 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH), riêng tỉnh Đồng Nai có đến 14 ca, chiếm 32,5% số ca tử vong của cả nước. Đây là thực trạng rất đáng báo động.

Điều trị SXH cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Điều trị SXH cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
12/14 ca tử vong là người lớn
Trong số 14 ca tử vong do sốt xuất huyết có đến 12 ca là người lớn. Từ cuối tháng 6-2022 đến ngày 27-7, liên tiếp 9 ca tử vong do SXH được ghi nhận trong tỉnh. Tất cả đều là người trên 15 tuổi. Có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến rất nhanh, từ khi khởi phát bệnh đến khi tử vong chỉ khoảng 1 tuần.
Cụ thể như trường hợp nam, 29 tuổi, ngụ xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất, xuất hiện triệu chứng sốt, đau nhức cơ thể ngày 3-7. 2 ngày sau, bệnh nhân đến Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Long Khánh để khám và được chẩn đoán bị sốt chưa rõ nguyên nhân, men gan tăng. BV cho bệnh nhân thuốc về nhà điều trị.
Trong thời gian từ ngày 5 đến 7-7, bệnh nhân chỉ ở nhà sử dụng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không giảm. Đến chiều 7-7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, chân tay lạnh, đau đầu, chóng mặt, khó thở nên được người nhà chuyển lên BV Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị SXH nặng, được cấp cứu và điều trị nhưng hôn mê và tử vong vào ngày hôm sau.
Hoặc ca tử vong 32 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, bị sốt, mệt vào ngày 8-7. Sau khi khám bệnh tại một phòng khám tư nhân, bệnh nhân được chuyển đến BV Đa khoa Thống Nhất vào ngày 11-7. Tối cùng ngày, do bệnh chuyển nặng nên bệnh nhân được chuyển lên BV Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng do bệnh quá nặng kèm theo suy đa tạng, tràn máu màng phổi nên tử vong vào ngày 15-7.
Một trường hợp khác là nam, 26 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, bị sốt ngày 12-7, đến ngày 14-7 nhập viện tại BV Đa khoa Đồng Nai và được hội chẩn, tiên lượng sốc SXH nặng nên chuyển lên BV Chợ Rẫy. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không thuyên giảm và tử vong ngày 20-7.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, có nhiều nguyên nhân khiến số ca tử vong do SXH chủ yếu là người lớn. Trong đó phải kể đến nguyên nhân nhiều người chủ quan, khi thấy bị sốt thì tự đi mua thuốc về uống để tiếp tục đi làm. Đến khi vào BV thì bệnh đã nặng khiến việc điều trị rất khó khăn. Ngoài ra, có một số trường hợp bị bệnh nền nặng, kèm theo đã từng mắc Covid-19 trước đó nên dù được điều trị tích cực vẫn không qua khỏi…

Lăng quăng sinh sôi và phát triển trong các dụng cụ chứa nước trong vườn nhà dân.
Lăng quăng sinh sôi và phát triển trong các dụng cụ chứa nước trong vườn nhà dân.
Điều trị sốt xuất huyết ra sao?
BS Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bị nhiễm virus, sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.
Để việc điều trị bệnh SXH được kịp thời, BS CKI.Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm, BV Đa khoa Đồng Nai khuyến cáo, người dân cần nghi ngờ bị bệnh SXH nếu sốt cao trên 40 độ C kèm theo 2 trong số các triệu chứng: nhức đầu dữ dội, đau hốc mắt, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn mửa, phát ban. Để xác định rõ có bị bệnh hay không, người dân nên đến các BV có chuyên khoa để làm xét nghiệm và được hướng dẫn điều trị cụ thể.
Những trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà. Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân cần uống thuốc hạ sốt paracetamol 3-4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 6 giờ khi nhiệt độ ≥ 38 độ C, lau mát bằng nước ấm. Uống nhiều nước để nguội, bổ sung nước cam, chanh, nước lọc, Oresol, nước dừa, sữa. Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, để nguội như cháo, súp. Không ăn, uống những thức ăn có màu đỏ, đen như cafe, ca cao, cháo huyết, bún riêu để dễ theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Không nên tự ý truyền dịch, dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Những bệnh nhân có các triệu chứng lừ đừ, mệt mỏi, vã mồ hôi, đau bụng vùng thượng vị, hạ sườn phải, nôn nhiều sau ăn, sau uống nước hoặc nôn khan, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi cầu phân đen cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.
Cũng theo BS Hùng, bệnh nhân bị SXH nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24 - 48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. SXH nặng có thể gây tử vong do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: đau bụng, nôn mửa liên tục, thở nhanh, chảy máu nướu răng hoặc mũi, mệt mỏi, bồn chồn, gan to, có máu trong chất nôn hoặc phân.
Các biện pháp phòng bệnh SXH hữu hiệu gồm: Diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thả cá để diệt lăng quăng; ngủ mùng để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; phun hóa chất diệt muỗi. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.