Thông tin từ Sở Y tế, trong số hơn 14,8 ngàn bệnh nhân sốt xuất huyết toàn tỉnh từ đầu năm đến nay có gần 9 ngàn bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.

Phụ huynh lau nách và chườm khăn lạnh cho trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện
Phụ huynh lau nách và chườm khăn lạnh cho trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh sốt xuất huyết có những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc xử lý ban đầu khi bệnh nhân có sốt, theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của trẻ mắc sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng.
Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C, phụ huynh cần cho uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
Đối với việc dùng thuốc hạ sốt, khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết thì chỉ nên dùng thuốc hạ sốt là Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
Chú ý tổng liều Paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Không dùng Aspirin (Acetylsalicylic acid), Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây tăng nguy cơ xuất huyết, toan máu.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do vậy khi nghi ngờ trẻ mắc sốt xuất huyết thì cần theo dõi các biểu hiện nguy hiểm của sốt xuất huyết. Tùy theo từng giai đoạn bệnh các triệu chứng sẽ khác nhau.
Giai đoạn đầu (giai đoạn sốt vào ngày 1-3 của bệnh): Sốt xuất huyết ở trẻ cũng giống như các bệnh do virus thông thường, tuy nhiên biểu hiện có thể đặc biệt hơn. Bé có biểu hiện sốt cao ngột ngột từ 39-40 độ C và liên tục. Kèm theo trẻ có thể đau đầu, đau mỏi cơ, khớp, da có xung huyết, phát ban. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Ở giai đoạn này, chủ yếu là điều trị triệu chứng hạ sốt, bù dịch sớm bằng đường uống (khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ... hoặc nước cháo loãng với muối). Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, chocolate...
Khi trẻ sốt cao khó hạ, kèm co giật hay đã qua 48 tiếng mà trẻ vẫn còn sốt thì nên đi khám ngay.
Giai đoạn nguy hiểm là từ ngày 3 đến ngày 7 kể từ khi sốt. Thường trẻ giảm sốt. Một số phụ huynh lầm tưởng rằng bé hết sốt là khỏi bệnh, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai. Dù tình trạng bé có thể hết sốt vào ngày thứ 3 nhưng bệnh có thể chuyển biến nặng vào các ngày sau đó.
Cần theo dõi và đưa trẻ tới khám ngay khi thấy các dấu hiệu như: Đau bụng nhiều (đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan); biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì, co giật; nôn ói nhiều ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ; xuất huyết (chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo); tiểu ít (trên 6 tiếng không thấy đi tiểu).

Thông thường bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày, trường hợp bệnh nặng có thể điều trị lâu hơn
Thông thường bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày, trường hợp bệnh nặng có thể điều trị lâu hơn
Ở giai đoạn phục hồi, trẻ bắt đầu hết sốt và sức khỏe tốt dần lên, trẻ dần có cảm giác thèm ăn, trẻ đi tiểu nhiều hơn và các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên khôi phục về tình trạng bình thường. Tuy vậy, ở những trẻ nặng, từ giai đoạn này có thể xuất hiện một số biến chứng diễn tiến rất khó lường, do đó cần phải tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của trẻ cho đến khi khỏi bệnh.