Dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm

Thứ hai - 01/08/2022 15:43
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thông tin từ Sở Y tế, trong tháng 7-2022, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,2 ngàn ca bệnh tay chân miệng, giảm 26,3% so với tháng 6.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng

Không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng

So với tháng trước, số ca mắc tay chân miệng giảm ở 10/11 huyện, thành phố. Trong đó giảm nhiều ở TP.Biên Hòa, các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Nhơn Trạch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3,9 ngàn ca bệnh tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong.

Để phòng bệnh tay chân miệng, các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện xử lý các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại địa phương. Đồng thời cấp phát Cloramin B cho các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch. Ngành Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phối hợp với ngành GD-ĐT tăng cường tuyên truyền để các trường học, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và những gia đình có con nhỏ vệ sinh đồ dùng vật dụng của trẻ, dạy trẻ cách rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng cá nhân… để phòng bệnh.

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, sự giảm nhiệt của bệnh tay chân miệng ở thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ các nhân viên y tế trong khoa đang phải gồng mình để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Nếu số ca bệnh tay chân miệng tăng thì nhân viên y tế sẽ vô cùng vất vả. Tuy nhiên, số ca bệnh tay chân miệng vẫn lác đác ghi nhận, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ để nhận biết các triệu chứng của bệnh, đưa đi khám và điều trị kịp thời.

Hình ảnh bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng
Hình ảnh bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng

Những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Theo BS Nguyễn Thanh Quyền, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Ở nhiều trường hợp nặng, trẻ có thể gặp chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 và vào độ 3 đột ngột, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp và diễn tiến biến chứng nặng nhanh. Chính vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý phòng bệnh cho trẻ.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi lúc này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh nên việc nhận diện các triệu chứng bệnh vô cùng quan trọng. Về lâm sàng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể được nhận biết qua 4 giai đoạn.

Giai đoạn ủ bệnh khoảng 3 - 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể. Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát, có thể kéo dài 3 - 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như: Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú); phát ban dạng phỏng nước (ban đầu, nốt ban hồng có đường kính vài milimet, nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và trở thành bóng nước. Bóng nước chứa đầy chất dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ rất đau đớn. Chúng có thể để lại vết thâm, tuy nhiên rất hiếm khi loét hay bội nhiễm); trẻ có thể sốt nhẹ, nôn. Giai đoạn lui bệnh thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Ngoài những nốt phát ban, trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như: bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì, chới với… Một số trẻ xuất hiện biến chứng về thần kinh thường giật mình, chới với khi ngủ hoặc co giật, thậm chí hôn mê; một số trường hợp lại xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như: suy hô hấp, tím tái…. Khi có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng.

Biến chứng thường gặp nhất ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng là mất nước. Bệnh có thể gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn, do đó trẻ thường lười ăn, uống,…

Hiếm gặp hơn, một vài trường hợp virus gây bệnh có thể ảnh hưởng đến não và gây ra các biến chứng thần kinh nghiêm trọng như: viêm màng não do virus (là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy; viêm não (là tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do virus gây ra viêm ở não); liệt chi. Đồng thời, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng đến hô hấp tuần hoàn như: tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây