TTĐT - Do thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nên kế hoạch phát triển của không ít các bệnh viện công lập trong tỉnh bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho 1 bệnh nhân bị rắn cắn
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho 1 bệnh nhân bị rắn cắn
Bệnh viện khó triển khai kỹ thuật cao vì thiếu nhân lực
BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cho hay, 2 năm vừa qua, Trung tâm có hơn 10 bác sĩ nghỉ việc. Do thiếu bác sĩ nên một số khoa, phòng phải hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn như Đơn nguyên thận nhân tạo, trước đây có 4 bác sĩ để xoay tua nhưng đến nay chỉ còn 2 bác sĩ, rất khó để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Do vậy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tại địa phương phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Biên Hòa để chạy thận mỗi tuần 3 ngày, thay vì được chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện. Việc phải di chuyển lên tuyến trên khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian, công sức hơn.
BS Phước nói thêm, việc thiếu hụt bác sĩ cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển chuyên môn của Trung tâm. Chẳng hạn như Trung tâm muốn cử bác sĩ A. đi học chuyên khoa I để sau này về triển khai những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Nhưng nếu bác sĩ A. đi học thì sẽ không có đủ bác sĩ để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm. Do đó, Trung tâm không thể cử bác sĩ A. đi học. Trong khi đó, bác sĩ có nhu cầu học tập nâng cao trình độ liên tục, nếu không được cử đi học, nhiều người sẽ tỏ ra chán nản. Điều này cũng khiến bệnh nhân tại địa phương phải thiệt thòi vì không được tiếp cận các kỹ thuật cao.
Còn tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, tình trạng thiếu bác sĩ đã diễn ra từ nhiều năm nay mà chưa tìm được giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ.
BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu cho biết, toàn huyện hiện chỉ có 54 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ đã nghỉ hưu được hợp đồng lại để triển khai khám, chữa bệnh BHYT. 2 năm qua, Trung tâm có 11 bác sĩ, 6 điều dưỡng và một số nhân viên y tế khác nghỉ việc. Sắp tới đây, sẽ có thêm 3 bác sĩ có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề nghỉ hưu.
Vĩnh Cửu hiện là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp nhất tỉnh với 4 bác sĩ/vạn dân (tỷ lệ chung của tỉnh là 9,1 bác sĩ/vạn dân). Việc tuyển dụng bác sĩ về địa phương thời gian qua rất khó. Bác sĩ tuyển về được một thời gian lại xin nghỉ việc, có những người chấp nhận đền bù khoản tiền đào tạo theo địa chỉ mà tỉnh đã hỗ trợ trong quá trình học tập để được nghỉ việc, ra ngoài làm tại các phòng khám tư nhân hoặc bệnh viện tư nhân.
Bởi vậy mà đến nay, H.Vĩnh Cửu mới chỉ có 4/12 trạm y tế có bác sĩ có thể triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Những trạm còn lại không có bác sĩ cơ hữu hoặc bác sĩ dự phòng, bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, không được phép khám, chữa bệnh BHYT.
BS Hoài tâm sự. “Do thiếu nhân lực cũng như vướng mắc một số quy định mà nhiều trạm y tế chưa thể triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Người dân đến trạm không được khám BHYT thì bức xúc, thiệt thòi, đặc biệt những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Sau một vài lần như vậy, dân sẽ không đến trạm nữa. Bác sĩ làm việc ở trạm nhưng không có bệnh nhân, không có điều kiện để phát triển chuyên môn cũng đâm ra chán nản và nghỉ việc chỉ là chuyện sớm muộn”.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là 1 trong những bệnh viện công lập có số bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc nhiều
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là 1 trong những bệnh viện công lập có số bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc nhiều
Liên tục phải đào tạo lại
BS CKII.Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, để bổ sung số lượng bác sĩ thiếu hụt, bệnh viện phải liên tục tuyển dụng bác sĩ. Mặc dù số lượng bác sĩ được tuyển mới tương đương hoặc nhiều hơn số lượng bác sĩ đã nghỉ việc nhưng phần lớn là những người mới ra trường, chưa có chứng chỉ hành nghề. Vì thế, bệnh viện lại phải tiếp tục đào tạo lại, cử những bác sĩ này đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
“Hiện tại, bệnh viện có 2 nhóm đối tượng bác sĩ chủ yếu, đó là những người đã lớn tuổi, sắp về hưu và những người mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều mà chúng tôi lo lắng là khi những bác sĩ trẻ đã cứng tay nghề, có chứng chỉ hành nghề lại sẽ ra đi” - BS Trâm bộc bạch.
Nói thêm về nghịch lý của việc bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện công lập, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh được xếp hạng bệnh viện hạng 3. Thời gian qua, những cơ sở này đã thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao của 2 bệnh viện công lập hạng 1 tuyến tỉnh. Nhưng nếu tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh nặng, nguy kịch, các bệnh viện tư nhân thường chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện hạng 1 là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mà ít khi giữ lại để điều trị. Điều này gây áp lực cho các bác sĩ của bệnh viện công lập cũng như thiệt thòi cho bệnh nhân.
Trong khi đó, do không có đủ điều dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc nên thời gian qua, tua trực của các điều dưỡng còn ở lại tại các bệnh viện công lập dày hơn trước, vất vả hơn trước rất nhiều.
BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát dữ dội, 1 điều dưỡng được phân công theo dõi 5 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết. Mỗi giờ, điều dưỡng phải đếm mạch, đo huyết áp, đo nhịp thở, tính lượng nước tiểu của bệnh nhân. Cứ 3 tiếng, điều dưỡng phải đo nhiệt độ cho bệnh nhân để nắm bắt tình hình bệnh và báo cáo bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm nếu cần thiết.
BS Kiều Trang chia sẻ: “Có những hôm có ca bệnh nặng phải cấp cứu thở máy, lọc máu liên tục, điều dưỡng phải làm việc gấp đôi công suất, đến tận chiều mới được ăn cơm trưa. Vì thiếu nhân lực nên điều dưỡng của khoa nói riêng và toàn bệnh viện nói chung phải trực tua 3 (ngày đầu tiên trực 1 ngày 1 đêm, ngày thứ 2 được nghỉ, ngày thứ 3 đi làm giờ hành chính, ngày thứ 4 tiếp tục trực 1 ngày 1 đêm) rất vất vả”.

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu làm xét nghiệm
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu làm xét nghiệm