Nhờ thực hiện tốt quy trình báo động đỏ mà thời gian gần đây, các bệnh viện trong tỉnh đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khen thưởng các y, bác sĩ cấp cứu thành công các ca bệnh khó
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khen thưởng các y, bác sĩ cấp cứu thành công các ca bệnh khó
Liên tục cứu sống nhiều ca bệnh nặng
Đầu tháng 3 vừa qua, chị Vũ Thị T., 41 tuổi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng mang thai ở tuần thứ 39, ngôi đầu, chưa chuyển dạ.
Do bệnh nhân đã lớn tuổi, bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai trên nền vết mổ cũ (chị T. đã sinh mổ 2 lần trước đó). Trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược chảy máu rất nhiều, tình trạng rất nguy kịch.
Trước ca bệnh khó, các bác sĩ đã bật báo động đỏ toàn bệnh viện để huy động các y, bác sĩ của các chuyên khoa liên quan phối hợp cấp cứu bệnh nhân. Ngay lập tức, bác sĩ các khoa: Sản, Gây mê hồi sức, Huyết học đã nhanh chóng có mặt tại phòng mổ, tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tổng cộng 19 đơn vị máu và các yếu tố đông máu.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc tích cực. Vài ngày sau, sức khỏe của cả mẹ và con đều ổn định và đã được xuất viện.
BS. CKI Phạm Thanh Dương, Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của các khoa, phòng, tiến hành xử lý nhanh, truyền máu kịp thời.
Mới đây, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lại tiếp tục hợp sức cứu sống bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bị đa chấn thương nghiêm trọng nhờ quy trình báo động đỏ.
4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, niêm mạc hồng. 1 ngày sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị theo yêu cầu của người nhà. Tổng cộng từ khi nhập viện đến khi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được truyền 64 đơn vị chế phẩm máu.
Đến sáng 26-3, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã ngưng thở máy, rút ống nội khí quản, đã tỉnh táo và nói chuyện được với người nhà, đường tiêu hóa hoạt động tốt.
BS.CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, ca bệnh này được tiến hành cấp cứu và phẫu thuật thành công là nhờ bệnh viện đã thực hiện hiệu quả quy trình báo động đỏ khẩn cấp, huy động các y, bác sĩ các chuyên khoa liên quan hội chẩn nhanh chóng và phẫu thuật kịp thời. Bên cạnh đó vai trò gây mê và hồi sức tích cực, huyết học trong mổ và sau mổ hết sức quan trọng trong ca bệnh này.
Bỏ qua mọi thủ tục, cứu người là trên hết
Nam bệnh nhân N.V.S., 46 tuổi, ngụ H.Long Thành bị ngưng tim, ngưng thở vừa qua đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kịp thời cứu sống ngoạn mục.
ThS-BS Nguyễn Thanh Nhựt, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, bệnh nhân S. bị nhồi máu cơ tim thành dưới. Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành vào ngày 17-3, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tuy nhiên, khoảng 5-10 phút trước khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã bị ngưng tim.
Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân được sốc điện 6 lần, dùng thuốc vận mạch liều cao. Sau đó bệnh nhân có điện tim trở lại nhưng mạch rất khó bắt. Trong tình huống cấp bách, bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng thông tim trong tình trạng huyết áp tụt, nhịp tim rời rạc, không bắt được mạch.
Toàn bộ ê kíp phụ trách đã rất khẩn trương, bỏ qua mọi thủ tục, kể cả vấn đề tài chính để triển khai các biện pháp nhằm cứu bệnh nhân. Trong vòng 30 phút, các bác sĩ đã tiến hành đặt stent mạch vành, tái thông tim cho bệnh nhân. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, ngưng thở máy, hồi phục nhanh.
Đến sáng 22-3, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, có thể ăn uống, đi lại bình thường. Dự kiến, 2 ngày nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Theo BS Nhựt, trong trường hợp này, nếu không kịp thời xử trí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Do vậy, BS Nhựt khuyến cáo, người dân trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới nếu có các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá nên đi tầm soát, khám sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Theo BS Nhựt, với trường hợp cấp cứu thường quy, trước khi bệnh nhân được đưa vào phòng thông tim, các bác sĩ phải gặp và giải thích với người nhà bệnh nhân về những lợi ích cũng như nguy cơ, chi phí thực hiện thông tim. Tuy nhiên, với trường hợp của bệnh nhân S., các bác sĩ không có thời gian để giải thích với người nhà bởi chỉ cần chậm trễ vài phút, bệnh nhân sẽ tử vong do ngưng tim quá lâu.
Nhờ sự khẩn trương của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mà đến nay, bệnh nhân S. không những qua được cơn nguy kịch mà còn bình phục sức khỏe tốt, sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.