Khai thác những “mỏ vàng” văn hóa Đồng Nai

Thứ năm - 26/05/2022 14:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Công nghiệp văn hóa (CNVH) là sự ứng dụng của những tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (lục bình xuất khẩu) ở Đồng Nai thu hút học sinh tham quan, tìm hiểu
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (lục bình xuất khẩu) ở Đồng Nai thu hút học sinh tham quan, tìm hiểu

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới và từ các thành phố lớn trong nước đã phát huy được “sức mạnh mềm” văn hóa. Đối với Đồng Nai, việc khai thác, phát triển tốt những “mỏ vàng” này thì ngoài việc đóng góp tích cực cho nền kinh tế, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, còn góp phần mang văn hóa ra với thế giới.​
Đa dạng sản phẩm công nghiệp văn hóa
Sản phẩm công nghiệp gồm: Quảng cáo, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, phim ảnh, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… Các sản phẩm này một khi ra khỏi biên giới địa phương, quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, hàng hóa văn hóa thông thường mà còn là biểu tượng, hình ảnh thể hiện “sức mạnh mềm” của văn hóa trong giao lưu và hội nhập quốc tế.

Tại Đồng Nai những năm qua, CNVH cũng là khái niệm khá mới mẻ, ít được đề cập. Tuy nhiên, một số sản phẩm trên lĩnh vực này đã bước đầu có sự đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển du lịch và các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Chỉ tính riêng quý 1 năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt trên 581 ngàn lượt khách (trong đó hơn 19 ngàn lượt khách quốc tế là những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và hơn 561 ngàn lượt khách nội địa), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 264 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm CNVH được đánh giá cao như: Gốm Biên Hòa, hàng thủ công mỹ nghệ ở một số địa phương được đăng ký thương hiệu và tiếp cận thị trường. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh…đã được sử dụng phục vụ cho hoạt động giao lưu, đối ngoại; hay khai thác hiệu quả một số sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực CNVH như: Lễ hội hoa anh đào; giao lưu văn hóa, trải nghiệm vẽ batik truyền thống Indonesia; cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ; hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan. Cùng với đó, nhiều không gian văn hóa công cộng đã được đầu tư, đem lại ấn tượng trong lòng người dân và du khách.

Sinh viên Đồng Nai biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm và giao lưu văn hóa Nhật Bản
Sinh viên Đồng Nai biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm và giao lưu văn hóa Nhật Bản

Khai thác và phát triển…
Theo ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, hiện nay Đồng Nai có nhiều không gian văn hóa công cộng đã được tôn tạo với cảnh quan xanh mát, xung quanh có hồ, có sông được quy hoạch hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng mỹ quan đô thị văn minh. Trong đó, điểm nhấn là không gian phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, xoay quanh trục không gian này có nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra, đưa bờ sông Đồng Nai thành điểm tham quan, thưởng lãm lý tưởng.

Với những cảnh quan, giá trị nội tại riêng có, Đồng Nai có đủ khả năng để khai thác và phát triển tốt các sản phẩm CNVH. Mặc dù chưa thật sự định hình một cách rõ nét và để khai thác dưới góc độ CNVH thì còn cả chặng đường dài song rõ ràng những chuyển động của các lĩnh vực cho thấy bóng dáng của CNVH. Hiện, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa và con người Đồng Nai ngày càng trở nên thu hút hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây