Nhiều khó khăn phát triển công nghiệp văn hóa Đồng Nai

Thứ hai - 30/05/2022 14:09
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Mặc dù chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) song Đồng Nai ​vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.​

Các thợ gốm tại xưởng gốm Hiến Nam, P.Hóa An đang lên màu men cho gốm
Các thợ gốm tại xưởng gốm Hiến Nam, P.Hóa An đang lên màu men cho gốm

Trong đó chưa hoàn thiện cơ chế thị trường lĩnh vực văn hóa, chưa có cơ chế ưu đãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; các sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia, hướng đến tầm cỡ quốc tế chưa được thường xuyên tổ chức.
 
Chưa khai thác hiệu quả
Hiện nay, Đồng Nai đã khai thác sản phẩm trên một số lĩnh vực như: văn hóa du lịch, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, quà tặng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề truyền thống, nhưng chừng đó là quá ít ỏi so với tiềm năng, dư địa rộng mở để phát triển CNVH. Trong hơn 2 năm qua, những tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của các nghề truyền thống, cụm công nghiệp gốm sứ, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng như mô hình kết hợp khai thác di sản văn hóa gắn với du lịch gặp nhiều khó khăn.
 
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Thái Vinh Trịnh Thị Phương Thùy cho biết, từ khi vào hoạt động trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, công ty có vị trí thuận lợi để thực hiện các giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp nguyên vật liệu. Tại đây, doanh nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; việc tuyển dụng công nhân lao động thuận lợi hơn. Các sản phẩm gốm của công ty sản xuất, ngoài tiêu thụ ở khu vực miền Nam, miền Bắc thì phần lớn được xuất khẩu sang thị trường các nước.
 
“Đặc thù nghề gốm đòi hỏi diện tích mặt bằng rất rộng để làm nhà xưởng, trong khi diện tích hiện tại của công ty vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được chính quyền quan tâm hỗ trợ để mở rộng quy mô, diện tích sản xuất. Việc làm này không chỉ giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động sau đại dịch mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề gốm” - bà Phương Thùy chia sẻ.

Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, bày bán tại các quầy hàng lưu niệm ở Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) của đồng bào dân tộc như: thổ cẩm, chuối hột rừng… chưa tạo được dấu ấn riêng để thu hút du khách.

Chị Ka Tuyền, hướng dẫn viên Vườn quốc gia Cát Tiên thừa nhận: “Sản phẩm lưu niệm thổ cẩm của đồng bào Mạ, S’tiêng về cơ bản chỉ có vải thổ cẩm làm túi xách, áo, váy, ví, dép và gùi. Các sản phẩm này được làm thủ công, chưa ứng dụng công nghệ hiện đại nên thường bị lệ thuộc khá nhiều vào mẫu truyền thống. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm ngày càng cao của du khách”.

Gốm mỹ nghệ của Công ty TNHH Gốm sứ Thái Vinh, TP.Biên Hòa chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước
Gốm mỹ nghệ của Công ty TNHH Gốm sứ Thái Vinh, TP.Biên Hòa chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước

Cần xây dựng và phát huy thương hiệu sản phẩm
Việc nghiên cứu xây dựng và phát huy thương hiệu các sản phẩm như: bưởi Tân Triều, hươu nai Hiếu Liêm, chôm chôm, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững đòi hỏi đầu tư lớn và có chiều sâu. Nguồn lao động làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo cũng ít được chú trọng. Mặc dù một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc ở các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa đã được đầu tư, nhưng để trở thành hoạt động có thể khai thác dưới góc độ CNVH thì còn cả chặng đường dài.

Hoạt động nhiếp ảnh, mỹ thuật của Đồng Nai có nhiều khởi sắc khi nhiều tác giả, tác phẩm vươn tầm quốc tế. Thế nhưng, các sản phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ như: Vũ Duy Thông, Bùi Viết Đồng, Trần Chí Lý, Lâm Văn Cảng… chưa có một không gian văn hóa mở để trưng bày và phục vụ nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật cũng là thách thức không nhỏ đối với phát triển CNVH.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), đã có rất nhiều tác phẩm ảnh nude art, ảnh hoa sen của ông sau khi công bố bị một số nơi tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý, đăng ký bản quyền sản phẩm rất cần được quan tâm.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây