(CTT-Đồng Nai) - Lợi dụng lòng tin của người hâm mộ, thời gian qua một số người nổi tiếng … đua nhau quảng cáo cho nhiều nhãn hàng mà chính bản thân những người đó không biết rõ chất lượng hoặc biết là chất lượng không đúng như quảng cáo nhưng vì đồng tiền mà vẫn làm, khiến cho không ít người tiền mất, tật mang…
* Khi người hâm mộ… bị lừa
Mạng xã hội (MXH) là không gian thuận lợi cho việc quảng cáo hình ảnh của nhiều người nổi tiếng và đây cũng chính là không gian bị một số người nổi tiếng lợi dụng để quảng bá sản phẩm của một hay nhiều nhãn hàng nào đó. Những sản phẩm được nhiều người nổi tiếng nhận quảng cáo nhiều nhất là sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các dịch vụ làm đẹp…
Không ít người dân đã tin lời một số người nổi tiếng này mà mua sữa uống, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,... và thấy không hề có kết quả như quảng cáo, đặc biệt là những người lớn tuổi, bệnh tật đã tiền mất, tật mang.
Ông Uy (ngụ TP.Biên Hòa) bị bệnh đái tháo đường đã hơn 10 năm cho biết, khi nghe quảng cáo về sữa non “triệt tiêu" các biến chứng do tiểu đường, ông đã bỏ ra 3,5 triệu đồng để mua 10 hộp sữa về uống nhưng chỉ số đường cũng không giảm nhiều. Chưa kể, sữa cũng không thực sự giúp bồi bổ cơ thể như quảng cáo. Nhưng giờ mới thấy họ giới thiệu không đi đôi với chất lượng.
Ngoài ra, một số người nổi tiếng lợi dụng vẻ ngoài hình thể đẹp của mình để quảng cáo cho các dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp… Nếu ai có bụng mỡ hay bộ phận nào trên cơ thể chưa đẹp, chưa chuẩn mà xem quảng cáo kiểu này sẽ rất dễ tin và đi phẫu thuật thẩm mỹ. Và thực tế đã có không ít người bị biến chứng như phải điều trị dài ngày.
Chị Uyên (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, chị rất dị ứng với những nội dung quảng cáo thổi phồng quá mức về công dụng của thực phẩm chức năng, về hiệu quả phẫu thuật hay những loại mỹ phẩm mà thực tế chất lượng không như quảng cáo, khiến không ít người tiền mất, tật mang. “Đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp chế tài để hạn chế tình trạng quảng cáo lố này" – chị Uyên bộc bạch.
* Cần có chế tài đối với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Hiện nay vấn đề quảng cáo đã được pháp luật quy định rất rõ. Tại Điều 19, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".
Ngoài ra, Luật này cũng đã có những cơ chế quản lý, chế tài, quy định kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo. Thế nhưng lại chưa có quy định cụ thể quy trình xử lý người nối tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật, do đó các chế tài xử lý vi phạm trước đây chưa đủ sức răn đe.
Mới đây, để chấn chỉnh tình tình trạng một số người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng với chất lượng, Bộ VH-TTDL đã phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng quy trình xử lý vi phạm pháp luật, đồng thời Bộ VH-TTDL cũng xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi… nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng quảng cáo bát nháo trên MXH.
Hiện nay hoạt động của văn nghệ sĩ được quy định cụ thể trong quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành kèm Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13-12-2021 của Bộ VH-TTDL. Theo đó, tại khoản 3, Điều 7 của quy tắc này quy định, nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 9 quyết định này cũng nêu rõ: “Nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường".
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở VH-TTDL cho biết: “Thực tế thời gian qua, có hiện tượng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, uy tín trên MXH thực hiện quảng cáo sản phẩm vượt quá tính năng và công dụng được cấp phép. Họ là những người có ảnh hưởng lớn đến định hướng sản phẩm của người tiêu dùng, vì vậy cần phải có những chế tài pháp lý chặt chẽ để quản lý, nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính".
Tác giả: Lam Khuê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập