(CTT-Đồng Nai) Ngày 28-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020.

Biển báo Cấm hút thuốc được đóng trên tường tại một cơ quan nhà nước
Biển báo Cấm hút thuốc được đóng trên tường tại một cơ quan nhà nước
Trong đó có quy định cụ thể các mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm các quy định liên quan đến địa điểm cấm hút thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người dưới 18 tuổi...
Đối với vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, Điều 25, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Theo Điều 11, 12 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:
- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.
- Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm: ô tô, tàu bay, tàu điện.
Đối với vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá, Điều 26, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
Nghị định 117 cũng đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Theo đó, tại Điều 29 quy định: phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi sau: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Cần xử phạt nghiêm
Mặc dù đã có quy định rõ ràng về những địa điểm cấm hút thuốc lá, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nhưng theo ghi nhận thực tế tại nhiều nơi cấm hút thuốc lá, tình trạng người dân hút thuốc lá còn nhiều, hầu hết là đàn ông.
Tại nhiều bệnh viện trong tỉnh, tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc ở những nơi có dán biển cấm hút thuốc lá không hiếm gặp. Thậm chí, có những lãnh đạo bệnh viện còn rất đau đầu vì tình trạng người bệnh ở tầng trên hút thuốc rồi gạt tàn bay xuống tầng dưới, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, nhân viên y tế ở tầng dưới.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của cộng đồng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Nhiều người dân đã hiểu về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá nơi công cộng, các địa điểm bán thuốc lá vi phạm... còn chưa được thực thi.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm còn khó. Vi phạm này thường xảy ra rất nhanh, khó xác định đối tượng. Do vậy, cần tăng cường các biện pháp xử phạt, xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm mới có thể hạn chế được tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam.

Nam bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên Trung tâm y tế H.Xuân Lộc
Nam bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên Trung tâm y tế H.Xuân Lộc