(CTT-Đồng Nai) - Việc doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm dẫn tới giảm lao động là điều ngoài mong muốn của người sử dụng lao động (NSDLĐ), lẫn người lao động (NLĐ).

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn pháp luật cho NLĐ về vấn đề bị chấm dứt HĐLĐ
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn pháp luật cho NLĐ về vấn đề bị chấm dứt HĐLĐ
Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi năm hết, Tết đến thì NLĐ có được hưởng tiền thưởng cuối năm không?
Vấn đề này, luật sư Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, việc thưởng Tết sẽ do NSDLĐ quyết định căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Do đó, pháp luật không bắt buộc NSDLĐ phải thưởng Tết cho NLĐ vào cuối năm. Việc NLĐ bị NSDLĐ cho nghỉ việc cuối năm có được thưởng Tết hay không sẽ phụ thuộc vào quy chế nội bộ, chính sách của doanh nghiệp.
“Nếu NSDLĐ có quy định thưởng thì dù bị chấm dứt HĐLĐ cuối năm, NLĐ vẫn được hưởng. NSDLĐ không chi trả thì NLĐ có quyền yêu cầu NSDLĐ chi trả khi 2 bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ” - luật sư Chu Văn Hiển cho biết.
Những ngày cuối năm 2023, Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Biên Hòa (thuộc Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tiếp nhận gần 20 vụ việc yêu cầu hỗ trợ pháp lý có liên quan đến việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, không phải tất cả các vụ việc NLĐ yêu cầu hỗ trợ pháp lý cuối năm 2023 đều do NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ trái luật. Do đó, để tránh tình trạng cuối năm cũ, đầu năm mới NLĐ rơi vào cảnh bị chấm dứt HĐLĐ thì trong quá trình lao động, NLĐ cần phải làm tốt công việc, chấp hành đúng quy định của doanh nghiệp, nội quy lao động, HĐLĐ và các quy định về pháp luật lao động có hiệu lực.
Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là một quyền được pháp luật trao cho NSDLĐ nếu NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ; do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc; NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên...
“Một khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ đúng luật thì NLĐ được hưởng các quyền lợi gồm: trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc làm; trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ tại các Điều từ 46, 47, 48 của Bộ luật Lao động năm 2019. Nếu NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ trái luật thì phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ” - luật gia Phạm Đình Đức lưu ý.