“Hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Mục tiêu của hòa giải cơ sở là giúp cho mâu thuẫn nhỏ giữa các bên được cộng đồng dân cư, tổ, khu phố được giải quyết nhanh chóng, kịp thời giảm thiểu phát sinh mâu thuẫn lớn, đảm bảo tình làng, nghĩa sớm, không phát sinh tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân”- Chủ tịch Hội gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết.
(CTT-Đồng Nai) - Các mâu thuẫn trong cuộc sống trong dân một khi được cộng đồng, khu dân cư hòa giải, giải quyết kịp thời thì sẽ không phát sinh khiếu nại, tố cáo đến các cấp chính quyền.
Tuy vậy, thực tế cuộc sống vẫn khó tránh khỏi chuyện nhỏ mà các bên lại cố tình biến nó thành phức tạp rồi gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tuyên truyền pháp luật hòa giải cơ sở cho người dân H.Định Quán
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tuyên truyền pháp luật hòa giải cơ sở cho người dân H.Định Quán
* Giải quyết theo ý muốn của mình
Vì lý do ông L. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường tụ tập bạn bè hát hò, bà M. (hàng xóm) bất bình nên có hành động trả đũa bằng cách quét rác dồn hết ra con hẻm trước nhà ông L. cho bõ tức. Vậy là đôi bên xảy ra cãi nhau. bà M. không báo cho tổ, khu phố nhờ can thiệp mà đi thẳng ra các cơ quan tư vấn pháp luật nhờ làm đơn tố vợ chồng L. có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà trong lúc đôi bên có lời qua tiếng lại.
Hay như việc bà T. (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) sau khi ký hợp đồng thuê lại khu đất của ông V. (ngụ cùng địa phương) để kinh doanh vật liệu xây dựng đã nhiều lần yêu cầu người thuê đất trước đó là ông Y. sớm dời một số vật liệu gồm: cát, đá, gạch, sắt, gỗ khi hợp đồng thuê với ông V. kết thúc, để bà tiếp quản, nhưng không được. Lẽ ra bà T. yêu cầu chủ đất, chính quyền can thiệp, ngược lại bà lại làm đơn gửi cơ quan báo chí kêu cứu.
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai), với trường hợp mâu thuẫn giữa ông L. và bà M. (ngụ P.Trảng Dài), căn cứ theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, bà M. có quyền làm đơn gửi khu phố nơi hai bên gia đình sinh sống để yêu cầu hòa giải.
Còn trường hợp bà T. với ông Y., việc bà gửi đơn yêu cầu cơ quan báo chí can thiệp trong quan hệ tranh chấp giữa bà với ông Y. là không đúng với chức năng, thẩm quyền của cơ quan báo chí. Muốn thực hiện đúng và đạt hiệu quả, bà buộc chủ đất là ông V. phải giải quyết dứt điểm các khối phế liệu còn tồn tại trước khi giao mặt bằng cho bà theo hợp đồng thuê. Hoặc bà và chủ đất yêu cầu tổ chức thừa phát lại tới lập vi bằng về khối vật liệu đó để làm cơ sở chứng cứ khi yêu cầu chính quyền hoặc tòa án can thiệp. Lúc đó, ông Y. buộc phải thực hiện nghĩa vụ di dời, chi phí lập vi bằng, công sức bảo quản và thiệt hại gây ra cho bà.
* Không được xâm phạm quyền, lợi ích của người khác
Giữa ông P. và gia đình ông X. (ngụ H.Trảng Bom) xảy ra mâu thuẫn với lý do rất đơn giản, khi con trai của 2 ông (học cùng lớp) trong lúc chơi đùa đã xảy ra đánh nhau. Người lớn như các ông thay vì dùng lời lẽ phải trái để giáo dục con thì cả hai đều thuê một nhóm thanh niên lạ mặt tới để chứng tỏ gia đình mình có “số má” để dằn mặt nhau.
Luật sư Nguyễn Đức bày tỏ, pháp luật hình sự, hành chính, dân sự... cho phép công dân tự mình hoặc ủy quyền cho người khác đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình tại các cơ quan có thẩm quyền và việc thực hiện đó phải tuân thủ pháp luật, không được xâm phạm hay làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người khác.
Do đó, việc ông P. và gia đình ông X. (ngụ H.Trảng Bom) giải quyết mâu thuẫn bằng việc thuê người tới đe dọa nhau là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300 ngàn đến 8 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống bạo lực gia đình.
“Khi xảy ra mâu thuẫn trong sinh hoạt ở khu dân cư, người dân nên mạnh dạn nhờ ấp, khu phố hoặc chính quyền địa phương hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Nếu không được giải quyết thỏa đáng mới phản ảnh tới cơ quan chức năng khác” – luật sư Nguyễn Đức lưu ý .