Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 1 người chết (tăng 2 vụ và tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2022). Đáng nói, cả 2 vụ đều xảy ra trên sông Đồng Nai (địa phận Đồng Nai và giáp ranh ở các địa phương lân cận), chủ yếu là các thuyền, đò nhỏ qua sông va chạm với phà, sà lan…

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: Trúc Viên.
Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: Trúc Viên.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Theo ghi nhận từ lực lượng Cảnh sát giao thông, cả 2 vụ tai nạn giao thông đều xảy ra giữa phương tiện vận tải hành khách và phương tiện vận tải hàng hóa. Cụ thể, khoảng 8 giờ 50 ngày 5-2, ông Nguyễn Trường Chinh (28 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) điều khiển đò số hiệu ĐN-1228 chở 12 khách trên sông Đồng Nai (từ bờ bên chùa Châu Đốc 3, địa phận TP.HCM sang bờ phía TP.Biên Hòa). Khi thuyền ra giữa sông (km31+600, giáp ranh TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) thì va vào sà lan số hiệu VL-15108 do thuyền trưởng Trần Thanh Tâm (50 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) điều khiển. Cú va chạm khiến đò lật úp, 11 hành khách được cứu sống, riêng chị N.T.H. (32 tuổi, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) tử vong.
Trước đó đúng một tháng, chiều tối 5-1, sà lan chở cát số hiệu LA-07291 lưu thông trên sông Đồng Nai từ ngã ba mũi Đèn Đỏ về khu vực cảng Cát Lái. Khi còn cách bến phà Cát Lái (bờ phía H.Nhơn Trạch 100m, địa phận tỉnh Đồng Nai) thì bất ngờ va chạm với phà Cát Lái số hiệu SG-5889 (đang chở khách từ bờ TP.HCM sang bờ tỉnh Đồng Nai). Cú va chạm khiến phà hư hỏng phần vỏ phía mạn đuôi, không xảy ra thương vong.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh nhận định, sông Đồng Nai qua các địa phương: TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Vĩnh Cửu, H.Trảng Bom là khu vực đông đúc phương tiện đường thủy di chuyển. Trong đó đáng chú ý nhất là các sà lan di chuyển dọc sông ra/vào các cảng, bến thủy nội địa và các đò, phà chở khách ngang sông để từ liên Đồng Nai qua TP.HCM hoặc tỉnh Bình Dương. Chính vì vậy, nguy cơ va chạm giữa các loại phương tiện đường thủy đi ngang và dọc sông là rất cao.
Chủ bến đò Xóm Lá (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) - nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai Trần Phan Đoan Trang bày tỏ, trong quá trình hoạt động, trên các đò, phà luôn có trang bị áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho khách sử dụng. Nhưng thực tế, dù liên tục nhắc nhở nhưng có không ít khách bỏ ngoài tai, không chịu mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi. Do đó, dọc các thành đò, phà thường treo sẵn áo phao, dụng cụ nổi cầm tay để khách chủ động dùng.
Tăng cường kiểm tra từ bến bãi
Qua thống kê của Sở GT-VT, trên toàn tỉnh hiện có 100 cảng, bến thủy nội địa hoạt động có giấy phép. Cụ thể có 69 bến hàng hóa, vật liệu xây dựng và 31 bến khách ngang sông. Lực lượng chức năng của Sở GT-VT và Công an tỉnh đã phối hợp kiểm soát các hoạt động chuyên chở hành khách, bốc xếp hàng hóa đảm bảo an toàn.
Phó Chánh Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Nguyễn Công Đán cho hay, trong năm 2022 vừa qua, đơn vị đã thành lập 11 đoàn tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến thủy nội địa tại 11 bến, cảng trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ bến chấp hành quy định giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt là việc đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định.
Qua đó, lực lượng chức năng kiên quyết xử phạt các bến và phương tiện vi phạm. Cụ thể, xử phạt 63 trường hợp với số tiền 143,65 triệu đồng với vi phạm về không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật. Xử phạt 5 trường hợp (gồm chủ bến và phương tiện vi phạm) tổng số tiền 23,5 triệu đồng với các bến thủy nội địa hoạt động chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên toàn tỉnh, vừa qua Ban An toàn giao thông tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương, Sở GT-VT và Công an tỉnh thực hiện nhiều giải pháp. Tập trung vào việc rà soát việc chấp hành các quy định giao thông đường thủy nội địa để tránh xảy ra tai nạn, chìm, đắm tàu, cháy nổ. Yêu cầu các chủ bến, người lái phương tiện ký cam kết an toàn, thể hiện rõ trách nhiệm phải trang bị đầy đủ số lượng áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh đã được kiểm định trên phương tiện.
Đặc biệt, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi như: người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không trang bị, sử dụng phao áo cứu sinh, chở quá số người quy định; đưa phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động vào vận chuyển khách…