Cần tăng trách nhiệm nhà trường trong quản lý xe đưa rước học sinh

Thứ ba - 21/03/2023 09:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trong năm học 2022-2023, theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 907 phương tiện tham gia đưa rước học sinh. Trong đó, nhiều nhất vẫn là TP.Biên Hòa với 677 xe, H.Trảng Bom 86 xe, H.Long Thành 48 xe, H.Nhơn Trạch 29 xe, H.Vĩnh Cửu 27 xe... Phần lớn các xe này thực hiện theo hợp đồng ký giữa chủ xe với giáo viên, các trường chưa có sự quản lý chặt chẽ.

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT, Sở GD-ĐT, Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước học sinh tại một số trường tiểu học tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Trúc Viên
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT, Sở GD-ĐT, Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước học sinh tại một số trường tiểu học tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Trúc Viên

Chủ yếu do giáo viên ký hợp đồng

Ngày 25-8-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động ĐRHS bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Tại điểm C, khoản 2, Mục I Kế hoạch trên nêu rõ: “Tổ chức ĐRHS đến trường bằng xe ô tô phải bằng hợp đồng cụ thể giữa trường học, cơ sở giáo dục với đơn vị kinh doanh vận tải có đủ kiều kiện theo quy định của pháp luật...”. Tuy nhiên trên thực tế, giáo viên, phụ huynh vẫn là những người đứng ra ký hợp đồng; chỉ có một số ít trường là do Ban giám hiệu ký.

Theo Ban giám hiệu một số trường thì nhiều năm qua ngành GD-ĐT đã dừng tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường và tại nhà, nhưng nhiều giáo viên lại tổ chức nhận trông giữ trẻ (học sinh) ngoài giờ (buổi không đến lớp). Việc này là thỏa thuận tự nguyện giữa giáo viên và phụ huynh. Do đó, nhà trường không thể trực tiếp hợp đồng xe ĐRHS, mà giáo viên tự đứng ra hợp đồng xe ĐRHS từ nhà giáo viên đến trường hoặc từ trường về nhà của giáo viên.
 
Hiệu trưởng một số trường tiểu học tại TP.Biên Hòa còn cho biết, không ít giáo viên tổ chức nhận trông giữ học sinh ngoài giờ để ăn uống, nghỉ ngơi và nhờ cô kèm thêm, tới chiều phụ huynh đi làm về sẽ đến đón. Giáo viên đã ký hợp đồng với xe ĐRHS để chở các em về nhà, vì việc này nhà trường không thể đứng ra ký được.
 
Thầy Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp cho hay, ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã triển khai đến toàn thể giáo viên quy định của các cơ quan cấp trên về xe ĐRHS và nhắc nhở lại vào mỗi tháng. Sau vụ tai nạn khiến em P.Q.C. tử vong, nhà trường sẽ tiếp tục quán triệt giáo viên và tài xế xe đưa rước quy định đảm bảo an toàn giao thông với các xe ĐRHS. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định trên, phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Theo báo cáo từ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT), hiện công tác quản lý, xử lý xe ĐRHS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp các khó khăn. Một số trường học chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động ĐRHS tại trường, chưa tổng hợp, thống kế được các trường hợp xe ĐRHS do phụ huynh học sinh tự ký kết hợp đồng. Một số trường học nằm trong các khu dân cư nên công tác kiểm tra, xử lý của của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
 
Tập trung rà soát suốt năm học
 
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô dịch vụ, mỗi đầu năm học mới, UBND tỉnh đều có các chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai thực hiện. Việc này cần phải có sự triển khai đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của các sở, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là vai trò của nhà trường, đơn vị vận tải trong công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động ĐRHS.
 
Ông Lê Văn Đức, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT) đánh giá, trên toàn tỉnh vẫn còn một số trường chưa nhận thức một cách đầy đủ các điều kiện, quy định đối với xe ĐRHS. Từ danh sách phương tiện tham gia ĐRHS trên địa bàn tỉnh theo thống kê của Sở GD-ĐT năm học 2022-2023 gửi lên Sở GT-VT, đã phát hiện có 7 trường hợp xe ĐRHS có niên hạn trên 20 năm; 6 trường hợp xe quá hạn đăng kiểm; 59 trường hợp xe không có phù hiệu “Xe hợp đồng” theo quy định.
 
Sau khi phát hiện, Sở GT-VT đã thông báo kịp thời kết quả kiểm tra, rà soát đến các đơn vị có liên quan nên đã chặn đứng được các xe này tham gia ký hợp đồng ĐRHS. Đồng thời, đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không sử dụng xe không đảm bảo các điều kiện theo quy định tham gia ĐRHS. Sở GT-VT cũng chỉ đạo Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) cùng các lực lượng có liên quan triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) cho biết thêm, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, qua phối hợp kiểm tra đã xử phạt 39 trường hợp với số tiền hơn 152 triệu đồng. Các lỗi chủ yếu là: giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; không có thiết bị chữa cháy theo quy định; dừng, đậu xe không đúng nơi quy định ...
 
Cụ thể, điều kiện để tham gia hoạt động ĐRHS là các đơn vị vận tải phải được Sở GT-VT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Xe ĐRHS phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” (còn thời hạn), trên xe có lắp thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định. Đối với tài xế, phải có giấy phép lái xe (còn thời hạn) phù hợp; được tập huấn về nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông và có các giấy chứng nhận theo quy định.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

40,168

Tổng lượt truy cập

555,057,425
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây