Tập trung các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu phát triển trong năm 2018

Thứ ba - 07/08/2018 22:27
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng năm 2018 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh ở một số ngành kinh tế chủ lực; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được duy trì ổn định, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được các sở, ngành, địa phương tập trung giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo các chỉ tiêu phát triển trong năm 2018.​

Trên đây là nội dung được đưa ra tại cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm diễn ra chiều 6-8.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 7 tháng qua, mặc dù kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn song đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, một số ngành kinh tế chủ lực của tỉnh đã có sự bứt phá trong tăng trưởng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2018 tăng trưởng tốt do thị trường xuất khẩu thuận lợi, tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2018 tăng 8,42% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,59%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 8,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,41%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 13,36%.

Nhiều ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất. kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của công tác cải cách hành chính, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, ngành dệt may liên tục giữ đà tăng trưởng ấn tượng (tăng hơn 16%) bởi đây là ngành sản xuất có quy mô lớn, các doanh nghiệp có hợp đồng sản xuất ổn định từ đầu năm. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu thuận lợi cũng đã tạo đà tăng trưởng mạnh trong ngành sản xuất da và sản phẩm liên quan (tăng 12,25%) với các hợp đồng ổn định của các doanh nghiệp quy mô lớn như Changshin, Pousung, Taekwang Vina, Việt Vinh…

 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là một trong những chỉ tiêu tích cực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế của Đồng Nai thời gian qua. Riêng tháng 7-2018 kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.611 triệu USD, tăng 4,2 % so với tháng trước. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn, nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu với các đối tác mới. 

Đồng Nai tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 18-7, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 978 triệu USD, tăng 34,67% so với cùng kỳ. Trong đó cấp mới 66 dự án với tổng vốn đăng ký là 474 triệu USD  và 54 dự án tăng vốn  504 triệu USD.

Tuy nhiên, tình hình giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đến nay vẫn còn chậm, chỉ đạt 20% so với dự kiến giải ngân cả năm. Nguyên nhân do một số nước đang thắt chặt chính sách chuyển nguồn ngoại tệ ra nước ngoài, chính sách bảo hộ kinh tế. Bên cạnh đó, trong năm 2017 các dự án lớn đã giải ngân gần hết số vốn đầu tư đăng ký, những dự án mới cấp và điều chỉnh những tháng đầu năm nay vẫn đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - đầu tư, Ban quản lý các KCN tăng cường rà soát tiến độ góp vốn, tiến độ triển khai các dự án FDI, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và góp vốn trong những tháng cuối năm.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trước tình trạng dôi dư số lượng người làm việc và hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Huỳnh Lệ Giang cho biết, qua rà soát biên chế trong ngành Giáo dục tại 11 địa phương trong tỉnh cho thấy dôi dư 551 biên chế so với chỉ tiêu buộc phải thu hồi. Trong số biên chế dôi dư có 217 biên chế do các đơn vị đã tuyển dụng, Sở GD-ĐT đề xuất giao các đơn vị này có lộ trình tinh giản dần, tránh việc tinh giản biên chế vừa tuyển tạo tâm lý bất ổn trong người lao động. Đối với 334 biên chế dôi dư chưa tuyển dụng thì phải thu hồi. Riêng tại TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành và Nhơn Trạch có dân số cơ học tăng cao nên vẫn có nhu cầu bổ sung biên chế để đáp ứng việc dạy và học trong năm học 2018 - 2019. Bên cạnh đó, mặc dù trong năm học mới, trên địa bàn tỉnh đã có một số trường học được xây mới song với tỷ lệ học sinh tăng cao, một số địa phương vẫn phải phát sinh thêm trường, bổ sung biên chế, nhất là bậc học tiểu học ở TP. Biên Hòa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, việc tinh giản biên chế ngành Giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên, nhân viên mà còn chất lượng giáo dục, do đó cần chú trọng giảm ở bộ phận gián tiếp chứ không phải giảm số lượng giáo viên một cách máy móc, dẫn tới không đảm bảo chất lượng dạy và học. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, các địa phương rà soát và có báo cáo chi tiết, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý đối với các trường hợp dôi dư nhằm đảm bảo số lượng biên chế theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp biên chế tại các trường…

Liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền trái phép diễn ra trong thời gian qua tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Lâm cho biết, địa phương đang gặp khó khăn trong quản lý, xử lý vi phạm bởi các đối tượng thường lợi dụng phân lô, san lấp mặt bằng vào ban đêm, khi trời mưa lớn. “Mặc dù đã cử người theo dõi sát sao các đối tượng có dấu hiệu vi phạm nhưng chỉ sau một đêm như ở xã Tân Bình, chủ đầu tư đã cho đổ đường nhựa, trồng hàng loạt trụ điện để thu hút người dân mua đất trong khi ở đó không có bất kỳ dự án nào. Việc xử lý, cưỡng chế các công trình này cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Lâm nói.

Về khó khăn mà địa phương giải trình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, việc quản lý, xử lý vi phạm phân lô, bán nền trái phép của chính quyền cấp huyện, xã trong thời gian qua là chưa quyết liệt và hiệu quả. Việc người dân bị lừa mua đất tại các khu đất không quy hoạch dự án sẽ dẫn tới hậu quả như hạ tầng phục vụ đời sống không có, người dân phải đóng các khoản phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất…Do đó, ngay sau khi phát hiện sai phạm, chính quyền địa phương cần phải lập biên bản và tiến hành xử lý kịp thời không để mở rộng và xây dựng kiên cố các công trình vi phạm; đồng thời nắm chắc đối tượng vì trên thực tế những nhà đầu tư có khả năng gom đất, tiến hành phân lô bán nền không nhiều…

Một vấn đề “nóng” cũng được quan tâm là nợ BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, tiềm ẩn những rủi ro khi doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn. Phó giám đốc BHXH tỉnh Lê Ngọc Mai cho biết, tính tới tháng 7-2018, số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 416 tỷ đồng, chiếm 2,97% trên tổng số phải thu. Đặc biệt có 914 đơn vị nợ kéo dài 101 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi là 174 đơn vị, với số nợ trên 52 tỷ đồng.

Để kéo giảm nợ đọng, đảm bảo an sinh xã hội trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị BHXH tỉnh cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa các doanh nghiệp có rủi ro cao vào diện “chăm sóc đặc biệt” tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Đồng thời phải chủ động thanh, kiểm tra xử lý nợ đọng, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn vẫn nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tình hình an ninh trật tự. Mặt khác quá trình cấp phép đầu tư cũng phải chú trọng khâu hậu kiểm chặt chẽ, đồng bộ hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 rất nặng nề, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, người đứng đầu cần phát huy vai trò trách nhiệm trong giải quyết các tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực, tránh tình trạng thấy khó thì dừng lại hoặc thực hiện không triệt để. Đặc biệt, cần tập trung một số nhiệm vụ như chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1; thực hiện các giải pháp đảm bảo thu ngân sách; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; rà soát, quản lỹ quỹ đất công có hiệu quả, tránh lãng phí; giải quyết hậu quả vụ vỡ quỹ tín dụng trên địa bàn; khẩn trương rà soát, làm rõ trách nhiệm sai phạm tại cụm công nghiệp Phước Tân; tìm quỹ đất sạch phục vụ xây dựng thiết chế Công đoàn phục vụ người lao động…

Tăng cường giải pháp đảm bảo thu ngân sách

Theo Sở Tài chính, đến hết ngày 31-7 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gần 26.416 tỷ đồng, đạt 49% so với dự toán. Tình hình thu ngân sách gặp khó khăn do công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ chủ yếu giải quyết những tồn đọng năm trước chuyển qua, các doanh nghiệp viễn thông tái cơ cấu chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thuế xuất, nhập khẩu giảm về 0%... Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các ngành liên quan cần triển khai cuộc họp chuyên đề về thu ngân sách; tăng cường các giải pháp rà soát, đôn đốc, chống thất thu, đảm bảo nguồn thu năm 2018 theo dự toán.

Thảo Nguyên

Tác giả: Lê Thị Phương Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây