Thấm nhuần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phát triển và lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ đó đã xuất hiện những mô hình mới, cách làm hay và rất nhiều điển hình tiến tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh.
Sáng 2-8 sắp tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức lễ tôn vinh Điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức tôn vinh 70 điển hình tiên tiến và công nhận hơn 200 điển hình tiên tiến được chọn lọc từ cơ sở. Dịp này, Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh đã xuất bản đặc san kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Tiên phong đổi mới, góp sức phát triển
Gần một năm nay, chị Nguyễn Thị Phương (công nhân Công ty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2) đã có những buổi sáng thư thả hơn khi được gửi con tại Trường mẫu giáo Thái Quang, gần nơi chị làm việc. Với mức phí 800.000 đồng/tháng, chị có thể an tâm làm việc vì con mình đã được học tập ở môi trường tốt hơn tại chính trường mầm non mà doanh nghiệp xây dựng để phục vụ nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Trường mẫu giáo “triệu đô” này là một trong rất nhiều phúc lợi thiết thực mà doanh nghiệp thực hiện với sự tham gia tích cực của CĐCS công ty.
Trường mẫu giáo Thái Quang (TP. Biên Hòa) phục vụ cho con công nhân lao động là một trong những phúc lợi thiết thực mang dấu ấn của CĐCS Công ty Taekwang Vina Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh thăm Trường mầm non Thái Quang trong đợt kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với CNLĐ các KCN tỉnh Đồng Nai vào tháng 10-2017.
Thực hiện nhóm giải pháp “Nâng cao đời sống người lao động”, CĐCS Công ty Taekwang Vina đã thương lượng thành công với Ban giám đốc công ty thực hiện hàng loạt chính sách phúc lợi thiết thực được lao động đánh giá cao. Bên cạnh xây dựng nhà trẻ phục vụ con em công nhân, doanh nghiệp còn thực hiện bữa ăn sáng 2.000 đồng cho người lao động; phục vụ siêu thị giá rẻ trả chậm vào lương cho người lao động và Phòng khám đa khoa tại công ty. Nhằm kịp thời chia sẻ những khó khăn với người lao động, CĐCS đã vận động duy trì Quỹ “Vòng tay yêu thương” hỗ trợ trên 200 lao động bị bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 10 tỷ đồng. Từ năm 2012 - 2017, đơn vị đã xây dựng và trao tặng 51 căn nhà mái ấm Công đoàn trị giá 1,5 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ lao động khó khăn về nhà ở có nơi an cư lạc nghiệp...
Là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, số lượng các doanh nghiệp ngày càng gia tăng và khả năng cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Một tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp trẻ lần lượt ra đời và ghi được dấu ấn trên thương trường, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Đồng Nai trong thời gian qua. Bứt phá từ tinh thần dám nghĩ dám làm, tiên phong trong các lĩnh vực sản xuất mới, từ một doanh nghiệp nhỏ chỉ hoạt động thương mại trong lĩnh vực đồ bảo hộ lao động, Công ty CP An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành) đã kịp thời nắm bắt và chuyển hướng sang sản xuất đồ bảo hộ lao động cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong mạnh dạn đầu tư máy móc, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Năm 2011, An Phú Thịnh quyết định đầu tư cả triệu USD để mở thêm xưởng sản xuất sợi dệt theo công nghệ của Đức. Cũng từ đây, doanh nghiệp này liên tục phát triển và trở thành nhà cung cấp vải dệt cho ngành sản xuất mặt hàng bảo hộ lao động với quy mô ngày càng mở rộng, sản phẩm xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Sơ chế chuối già hương cấy mô trước khi đưa vào đóng gói phục vụ xuất khẩu tại HTX Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến.
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) là một trong 4 HTX được UBND tỉnh lựa chọn tham gia xây dựng mô hình HTX nông nghiệp theo hướng hiện đại từ năm 2018 - 2022, nhằm thực hiện việc đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là doanh nghiệp xuất khẩu thành công lô sản phẩm chuối già hương cấy mô đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc theo đường chính ngạch. Thành công ban đầu này đã mở ra hướng phát triển bền vững hơn cho cây chuối già hương trên địa bàn tỉnh vốn có đầu ra bấp bênh. Giám đốc HTX Quyết Tiến Phạm Thanh Đồng cho biết, ngoài cây chuối, hiện HTX Quyết Tiến cũng đang triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn trên cây bưởi da xanh với mục tiêu tiến tới xuất khẩu mặt hàng này.
Hạt nhân nòng cốt trong phong trào thi đua
Với việc huy động và phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đồng Nai đã và đang giữ vững vị trí đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay toàn tỉnh có 129/133 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả nói trên đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đó là những nông dân đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, những người dân sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất và đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn…
Đó còn là sự tích cực, chủ động của cả tập thể đi đầu trong xây dựng NTM mà xã Xuân Phú (Xuân Lộc) là một trong các điển hình. Với phương châm phát huy sức dân để phục vụ cho dân, không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, Xuân Phú còn ưu tiên phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho đại bộ phận dân cư. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Cao Văn Hùng cho biết: “Đảng bộ, chính quyền xã xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, đoàn kết dốc toàn lực để thực hiện. Trong đó chú trọng phát huy tinh thần thi đua sôi nổi, tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đó cũng chính là yếu tố then chốt góp phần đưa Xuân Phú cán đích NTM”.
Là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua, Trường đại học (ĐH) Lạc Hồng đã từng bước khẳng định được thương hiệu, chất lượng đào tạo, nhất là trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tháng 4 vừa qua, trường đã được Bộ Giáo dục - đào tạo đánh giá đứng đầu trong 59 trường ngoài công lập tại Việt Nam phát triển mạnh về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, Trường đại học Lạc Hồng đã 8 lần lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo robocon châu Á - Thái Bình Dương, trong đó 3 lần đoạt giải nhì, 2 lần đoạt giải ba và 2 lần vô địch tại sân chơi này. 4 năm liên tục từ 2015 - 2018, Đội xe của trường vô địch tại cuộc thi Xe tiết kiệm nhiên liệu khu vực châu Á - SEM ASIA...
Bên cạnh những tập thể, đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, nhiều cá nhân điển hình ở cơ sở vẫn đang âm thầm “tỏa sáng”, trở thành những hạt nhân nòng cốt góp phần lan tỏa tinh thần thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chị Lại Thị Hạnh, công nhân khai thác mủ tại Nông trường Bình Lộc thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai là một tấm gương như thế. Vượt qua 70 thí sinh và xuất sắc giành giải nhất hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cấp Tổng công ty năm 2018, chị Hạnh là một trong những “bàn tay vàng” vẫn kiên trì bám trụ vườn cây, góp sức phát triển doanh nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời gắn bó với cây cao su, chị Hạnh luôn nỗ lực học hỏi nâng cao tay nghề, góp phần cải thiện thu nhập bản thân cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. “Mặc dù đời sống của công nhân cao su còn khó khăn nhưng tôi luôn tâm niệm phải thi đua làm việc hết mình, đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Thông qua đó, không chỉ tay nghề ngày càng được nâng cao mà thu nhập cũng được cải thiện, đời sống ổn định hơn”, chị Hạnh nói.
Theo Trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Vy Vũ Hồng Thảo, dù đã được biểu dương, khen thưởng hay vẫn âm thầm nỗ lực cống hiến cho cộng đồng thì những điển hình tiên tiến vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, bởi “Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, góp sức hoàn thành các mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Chú trọng phát hiện, tôn vinh điển hình ở cơ sở
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh Trần Văn Vĩnh, điển hình tiên tiến là những tấm gương sáng, hạt nhân nòng cốt góp phần đưa phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Do đó, những điển hình được tôn vinh phải thực sự tiêu biểu, có những đóng góp thiết thực và có uy tín trong cộng đồng. Quá trình xét chọn chú trọng những điển hình tiêu biểu ở cơ sở, có sự tham gia đóng góp ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể, cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Thảo Nguyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập