Ngày 2-8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu của Bộ GD-ĐT đến 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Thảo luận nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục
Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành.
Tại hội nghị, các địa phương và đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã cho ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục đang được dư luận quan tâm, như: Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp; vấn đề tinh giản biên chế; đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa; hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đạo đức nhà giáo…
Theo đó, hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn; từng bước phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp; thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục kỹ thuật tổng hợp; sắp xếp lại các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ theo hướng thành lập trường liên cấp, liên xã. Tuy nhiên, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa tốt dẫn đến tình trạng khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; một số địa phương dồn dịch các điểm trường, sáp nhập trường không đúng quy định...
Quy hoạch phát triển giáo dục ở một số địa phương chủ yếu là quy hoạch theo không gian mà ít chú trọng đến điều kiện đảm bảo chất lượng; chưa tạo được sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển GD-ĐT với quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng, sử dụng đất...
Đối với kỳ thi THPT quốc gia, đại diện nhiều tỉnh, thành có tham luận tại hội nghị đều cho rằng vẫn cần thiết duy trì kỳ thi “2 trong 1” này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần phải hoàn thiện quy trình, tránh những “lỗ hổng” trong quản lý, giám sát, thực hiện; đưa ra tiêu chí chuẩn xác cho đề thi đồng thời xem xét vai trò giữa các trường đại học và các Sở GD-ĐT trong kỳ thi này…
Đối với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành tiêu chuẩn về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học để các địa phương, các trường có sự chuẩn bị.
Kiên quyết loại khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá chung tình hình đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29; đồng thời chỉ đạo Bộ GD-ĐT bám sát các nội dung về những vấn đề tồn tại, bất cập cần đổi mới đã nêu trong nghị quyết từ thời điểm năm 2013 để có những tổng hợp, đánh giá cụ thể.
Quán triệt các nội dung của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý 2 nội dung:
Thứ nhất, đổi mới giáo dục phải là một quá trình. Trong quá trình ấy, khó có thể có được một giải pháp thực sự hoàn hảo. Do vậy, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục cần kiên trì, kiên định và thực hiện một cách có khoa học.
Thứ hai, quá trình đổi mới giáo dục nhất định phải theo xu thế của thế giới. Không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có tác dụng ngược mà mình xoay lại, đi ngược theo xu thế thế giới. Tiêu biểu như vấn đề tự chủ ở các trường đại học. Không chỉ các trường đại học thực hiện tự chủ, tới đây các trường phổ thông cũng phải thay đổi, đặc biệt trong khâu quản lý sao cho bớt đi các thủ tục hành chính, tăng cường dân chủ cơ sở.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành Giáo dục một số nội dung quan trọng khác như cần chú trọng mở ra các diễn đàn để các chuyên gia, giáo viên, học sinh và nhân dân cùng góp ý. Thông qua đó, ngành sẽ tổng hợp, lựa chọn những ý kiến hợp lý nhất để tiếp thu, thực hiện. Muốn làm được điều này, ngành Giáo dục phải cởi mở, minh bạch mới tạo được sự đồng thuận của xã hội, từ đó tạo nên sức mạnh để “đẩy” giáo dục đi lên.
Về vấn đề biên chế của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Trước mắt, Bộ GD-ĐT đã nắm được tình hình biên chế ở các địa phương nhưng trong thời gian tới đề nghị Bộ tiếp tục chỉ đạo địa phương nắm kỹ tình hình biên chế giáo viên ở từng trường, sự thừa - thiếu cụ thể ở từng trường, từng bậc học. Qua đó tính đến đào tạo sư phạm theo đặt hàng. Tinh thần chung là phải đủ giáo viên để dạy theo hướng giáo viên môn nào dạy môn nấy, đủ giáo viên ở từng trường, từng bậc học… chứ không chỉ tính trung bình mà để xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Việc sắp xếp lại các trường phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và học sinh, tiến đến học 2 buổi/ ngày...
Đối với vấn đề đạo đức nhà giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chính các giáo viên đang công tác trong ngành đã gửi thư đến Phó Thủ tướng và bộc bạch rằng những tiêu cực của giáo dục như: xin điểm, “làm đẹp” học bạ, dạy thêm học thêm… đều xuất phát từ phía giáo viên. “Lâu nay, chúng ta vẫn ca ngợi nhà giáo và tránh nhắc đến những hình ảnh không đẹp của thầy cô… Phần lớn tiêu cực trong ngành chính là do giáo viên tạo nên. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn rõ thực tế này. Từ năm học này, Bộ GD-ĐT cần phát động để các thầy cô cùng thi đua gương mẫu, ai vi phạm nhất định phải loại ra khỏi ngành…”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tường Vi
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập