Dịch bệnh dại diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 01/08/2023 08:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Chiều 31-7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại H.Thống Nhất.
Lực lượng chức năng điều tra dịch tễ khu vực sinh sống của gia đình anh P.
Lực lượng chức năng điều tra dịch tễ khu vực sinh sống của gia đình anh P.

Chủ quan không đi tiêm vaccine khiến tử vong

Đây là ca tử vong thứ 2 do bệnh dại từ đầu năm 2023 đến nay và là ca tử vong thứ 3 từ cuối năm 2022 đến nay. Điều đó cho thấy dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến rất phức tạp với 7 ổ dịch chó dại tại các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất.

Ca tử vong là anh H.Q.P., 34 tuổi, ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất. Khoảng 4 tháng trước, anh P. bị một con chó không biết của nhà ai xông ra cắn ở vị trí cổ tay phải, vết thương nông, chảy máu ít. Mẹ anh P. có khuyên con đi chích ngừa nhưng anh này không đi vì lý do không có tiền và đang thất nghiệp.

Chiều ngày 27-7, vợ anh P. đi làm về thì phát hiện anh P. có biểu hiện sợ nước, sợ gió, uống sặc. Sáng hôm sau, gia đình đưa anh P. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thì được chẩn đoán mắc bệnh dại/tăng huyết áp. Sáng cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, có thêm triệu chứng bứt rứt, khó thở. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tri giác không rõ nguyên nhân. Chiều ngày 29-7, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, bứt rứt, vẫn cầm nước uống bình thường và nằm ở phòng có ánh sáng. Đến khuya ngày 29-7, bệnh nhân tử vong và được người thân đưa về nhà.

Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành điều tra dịch tễ quanh khu vực anh P. sinh sống và nhận định các hộ gia đình trong vùng nuôi khá nhiều chó và chưa được kiểm soát (thả rông, không rọ mõm). Riêng con chó cắn anh P. đã chạy mất, không theo dõi được.

Tại Tổ 25b, KP.Trần Cao Vân, TT. Dầu Giây, gần vị trí anh P. bị cắn ghi nhận 1 con chó nhà hàng xóm bị chết cách đây 10 ngày không rõ nguyên nhân. Hiện có 1 con chó có biểu hiện ủ rũ và chán ăn. Trạm thú y huyện đã lấy mẫu và gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm tìm virus dại, kết quả âm tính.

Cách vị trí nơi bệnh nhân bị chó cắn khoảng 3km (ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cách đây 14 ngày ghi nhận 1 con chó nghi dại, có biểu hiện liệt 2 chi sau, bỏ ăn, đã cắn 3 người trong gia đình (đã bị chủ nhà đánh chết). 3 người này đã đi tiêm vaccine phòng dại được 4 mũi.

Điều khiến lực lượng chức năng lo ngại là tại khu vực anh P. sinh sống còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có thể ảnh hưởng đến quyết định đi tiêm vaccine sau khi bị chó cắn. Riêng vợ con anh P. đã được vận động đi tiêm vaccine phòng dại.
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Khẩn trương phòng, chống bệnh dại

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị lãnh đạo các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn/cào. Đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, tiêm vaccine phòng dại/huyết thanh kháng dại kịp thời.

Đảm bảo các điểm tiêm vaccine phòng dại/huyết thanh kháng dại trên người tại các địa phương để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng. Tiếp tục phối hợp với ngành NN-PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.

Bệnh dại là một căn bệnh do virus gây ra viêm não ở người và động vật có vú khác. Triệu chứng ban đầu có thể bao gồm sốt và ngứa ran nơi vết thương, tiếp đến là có một hoặc nhiều hơn những triệu chứng sau: hành động bạo lực, kích động không kiểm soát, sợ nước, không thể cử động các phần cơ thể, lú lẫn và mất ý thức.

Một khi triệu chứng đã khởi phát thì kết cục gần như luôn là tử vong. Thời gian từ khi mắc bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng thường rơi vào khoảng 1-3 tháng, song có thể dao động từ dưới 1 tuần đến hơn 1 năm tùy thuộc vào quãng đường virus phải di chuyển để đến hệ thần kinh trung ương.

Tại Việt Nam, bệnh dại có mặt ở hầu hết các tỉnh thành. Vào đầu thập niên 1990 mỗi năm có 350-500 ca tử vong vì bệnh dại. Giai đoạn 1996-2007, nhờ tích cực tiến hành các biện pháp phòng chống nên số ca tử vong đã giảm 75%. Tuy nhiên, sau đó căn bệnh lại có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, trong thập niên 2010, mỗi năm Việt Nam có 70-110 người mắc bệnh và tử vong. Kể từ năm 1992, trung bình mỗi năm có khoảng 440 ngàn người phải đi tiêm phòng.

Chó là động vật truyền bệnh chủ yếu, chiếm 96-97%, tiếp đến là mèo 3-4%. Chưa ghi nhận trường hợp người mắc dại từ động vật khác.Trong khoảng từ năm 2005 đến 2014, tổn thất kinh tế do bệnh dại là hơn 719 triệu USD, chủ yếu là chi phí liên quan đến điều trị sau phơi nhiễm.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây