Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ

Thứ ba - 28/05/2019 15:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện Đồng Nai có khoảng 700 doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Đồng Nai hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Phát triển chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI

Công nghiệp phụ trợ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra gia trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính. Những năm qua, công nghiệp Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ. Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh tại Trảng Bom, Nhơn Trạch và Long Thành. Hiện, ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh có khoảng 700 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các loại nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng kim loại, điện - điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, bao bì... cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá một số sản phẩm như xe máy, ô tô, máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, sản phẩm may mặc, giày dép.... Đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp.
Hiện nay chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nhìn chung công nghiệp phụ trợ của Đồng Nai nằm trong top 5 các địa phương có công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh của cả nước gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh. Sự phát triển của công nghiệp phụ trợ đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Đồng Nai hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực công nghệ thông tin không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất.
Phần lớn các doanh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu vẫn diễn ra giữa các doanh nghiệp FDI với nhau. Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, dệt may, giày dép.... Sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế do doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp FDI.
Tăng cường hỗ trợ vốn cho công nghiệp phụ trợ phát triển
Theo khảo sát của Sở Công Thương, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là bài toán vốn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ và nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Trong tình hình kinh tế hiện hay các doanh nghiệp đầu tư vẫn phải vay với lãi suất rất cao và rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nhà nước. Lãi suất cao đã làm cho các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Từ thực tế trên, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp phụ trợ giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước để có khả năng liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.
3-280519-2.JPG
 Một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ cho xe thể thao tại huyện Trảng Bom.
Theo đó, giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đang rất được quan tâm triển khai. Cụ thể, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh, dành phần vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vay với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; Điều chỉnh chính sách hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Được biết, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 01/01/2018. Trong thời gian tới, căn cứ vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành, Sở Công thương sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách của địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng và hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trừ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp và tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã ban hành.
Lê An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây