Đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp

Thứ ba - 28/05/2019 23:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ năm 2016, Đồng Nai đã triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng dần công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao, đồng thời đảm bảo thực hiện hài hòa các yêu cầu của phát triển bền vững.​

Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đưa công nghiệp tiếp tục nắm giữ vị trí “đầu tàu” trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Trước năm 2016, công đoạn đóng gói sản phẩm găng tay cao su tại Công ty TNHH Nam Long - doanh nghiệp chuyên sản xuất găng tay cao su tại xã Long An, huyện Long Thành được làm hoàn toàn bằng thủ công. Do đó, để thực hiện riêng khâu đóng gói sản phẩm, doanh nghiệp phải cần đến gần 20 nhân công. Dù nhiều nhân công nhưng việc đóng gói sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi có các đơn hàng lớn.

Năm 2017, Công ty TNHH Nam Long được vay 200 triệu đồng trên tổng số 700 triệu đồng đầu tư cho dây chuyền đóng gói sản phẩm tự động từ chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật thiết bị do Sở Công thương triển khai. Đây là chương trình nằm trong tổng thể Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long Lê Bạch Long cho hay, từ khi được hỗ trợ vốn đầu tư dây chuyền đóng gói sản phẩm tự động, việc sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cũng tăng lên. “Hai lợi ích mà doanh nghiêp thấy rõ nhất là việc giảm được áp lực trả lãi khi được vay ưu đãi để đầu tư mua sắm máy móc. Tiếp đó, nhờ đầu tư được dây chuyền sản xuất hiện đại nên chi phí nhân công cũng giảm đi. So với đóng gói thủ công, hiện số lượng nhân công vận hành hệ thống đóng gói sản phẩm giảm hơn một nửa”, ông Long cho hay.

Trong 3 năm từ 2016 - 2018, ngoài Công ty TNHH Nam Long còn có thêm 17 doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã nhận được hỗ trợ từ chương trình nhằm đổi mới công nghệ.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đứng đầu về trình độ công nghệ áp dụng vào sản xuất hiện nay. Trong ảnh: Quy trình chế biến gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek, Khu công nghiệp Loteco, TP. Biên Hòa.

Theo Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh, trong Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc chuyển dịch nội bộ ngành theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao là hướng đi mũi nhọn được Đồng Nai tập trung ưu tiên. 

Từ hướng đi này, Đồng Nai đã quyết định triển khai đầu tư Khu công nghệ cao Long Thành với quy mô hơn 400 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng nhằm thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao.

Theo đánh giá, về trình độ công nghệ sản xuất, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức trung bình tiên tiến. Tuy nhiên, xét theo mức độ đóng góp công nghệ thì trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ số đóng góp công nghệ tiệm cận mức tiên tiến. Đáng chú ý, một khảo sát trên 496 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được Sở Công Thương thực hiện cuối năm 2018 cho thấy 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp được Bộ Khoa học - công nghệ cấp giấy chứng nhận lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh nhóm ngành công nghệ cao, nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng về số lượng. Theo số liệu do Cục Thống kê cung cấp, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng 797 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tăng 58 doanh nghiệp so với năm 2017, chiếm hơn 17% tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

“Lỗ hổng” trong thu hút vốn FDI công nghệ cao

Hiện nay, cả 5 doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gồm: Công ty TNHH Bosch Việt Nam; Công ty TNHH Tae Kwang Mold Vina; Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam; Công ty TNHH Mabuchi Việt Nam và Công ty TNHH Muto Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh, hiện việc định hướng thu hút doanh nghiệp FDI đang có những tồn tại và hạn chế.

Điều này được thể hiện qua tỷ trọng giá trị tăng trưởng và cơ cấu sử dụng lao động trong nhóm ngành dệt - may, 1 trong 5 nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Theo đó, chỉ riêng nhóm ngành dệt- may thì khu vực FDI có tỷ lệ tăng trưởng đột biến so với khu vực vốn đầu tư trong nước với mức tăng trưởng gần 16%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu sử dụng lao động nhóm ngành dệt may thì khu vực FDI lại chiếm đến hơn 72% tổng số lao động.

Tính rộng ra trong 5 nhóm ngành công nghiệp chủ lực gồm: chế biến nông sản thực phẩm; điện - điện tử; dệt may - giày dép; cơ khí và hóa chất, cao su, plastic cho thấy khu vực FDI sử dụng nhiều lao động nhất nhưng lại có năng suất lao động thấp và giá trị gia tăng trong sản xuất không chênh lệch nhiều so với khu vực kinh tế trong nước.

Lý giải cho thực trạng này, theo Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh, trong thực tế các doanh nghiệp FDI chủ yếu lựa chọn đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động nhằm tận dụng nguồn lao động dồi dào, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp FDI chủ yếu là lắp ráp, gia công không có yêu cầu cao về khoa học - kỹ thuật như ngành dệt - may.

Trước thực trạng này, những năm qua, Đồng Nai đã định hướng lại việc thu hút đầu tư FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù vậy, việc “đổi hướng” này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về quỹ đất dành cho việc thu hút các dự án. Bởi, hiện nay hàng loạt khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Amata, Thạnh Phú, Tam Phước… đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng. Ngoài ra, nguồn lao động kỹ thuật cung cấp cho các dự án còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến chưa nhiều dự án công nghệ cao đầu tư vào Đồng Nai.

Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến

Theo Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh, trong định hướng thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 và 2020, Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu đổi mới, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.

Quỳnh Nhi

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây