Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Chủ nhật - 26/05/2019 23:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

30/31 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 80% trong số đó được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động từ nguồn vốn ngân sách. Hiếm có tỉnh nào bỏ ngân sách ra đầu tư như vậy, kể cả những tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh. Đây là sự cố gắng rất lớn của Đồng Nai. Đó là nhận xét của Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ của Quốc hội Trần Văn Minh trong lần về giám sát tại Đồng Nai tháng 9-2018.​

Việc sớm có giải pháp đồng bộ về bảo vệ môi trường (BVMT) đang giúp nhiều khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh có bước phát triển vững chắc.

Hướng tới phát triển công nghiệp bền vững

Đồng Nai hiện có 31 KCN đang hoạt động, chiếm 10% cả nước và là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN. Cùng với việc phát triển các KCN, thu hút đầu tư, những năm gần đây Đồng Nai đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến công tác BVMT với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Để bảo đảm công tác BVMT hướng tới phát triển công nghiệp bền vững, từ nhiều năm qua, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư KCN, các cơ sở sản xuất hoàn thiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên - môi trường để theo dõi thường xuyên; chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp; hỗ trợ, tác động để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về BVMT, yêu cầu doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo môi trường KCN cũng như khu dân cư. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra những khu vực được coi là “điểm nóng” về nguy cơ ô nhiễm môi trường, xử phạt và buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm BVMT; tuyên truyền sản xuất sạch hơn, ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm...

Khu vực xử lý nước thải có lắp đặt quan trắc tự động tại Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về BVMT, Đồng Nai đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Không những thế, thu hút vốn đầu tư FDI vào tỉnh những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng, tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trung bình đạt 78% (cao hơn mức trung bình 73% của cả nước), tạo việc làm cho khoảng 600.000 lao động, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62% trong GRDP của tỉnh.

Công ty cổ phần phát triển KCN (Sonadezi) được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về phát triển hạ tầng các KCN. Đến nay, Sonadezi phát triển được 11 KCN trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, thu hút được hơn 760 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tổng giám đốc Công ty Sonadezi Phan Đình Thám cho rằng, vấn đề BVMT và đồng bộ hóa hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi trong KCN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của KCN. 

Theo ông Thám, từ rất sớm ngay khi xây dựng KCN đầu tiên là Biên Hòa 2, vấn đề BVMT đã được Sonadezi quan tâm triển khai. Quá trình xây dựng hạ tầng 10 KCN sau này, Sonadezi cũng tuân thủ tiêu chí đồng bộ hạ tầng, hoàn thành khu xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn mới tiến hành thu hút đầu tư. “Các nhà đầu tư vào KCN của Sonadezi phải cam kết tuân thủ quy định pháp luật về BVMT trong sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình các nhà máy hoạt động, chúng tôi luôn theo dõi sát sao về vấn đề nước thải, chất thải, khí thải và kịp thời thông báo cho các nhà máy về các vi phạm nếu có, đồng thời thông báo về cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý”, ông Thám cho biết. 

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) Đỗ Minh Tuấn, chủ đầu tư hạ tầng của KCN Long Khánh và KCN Dầu Giây cũng cho rằng, thành công hiện nay của 2 KCN này có vai trò của việc làm tốt công tác BVMT. Đến nay, cả 2 KCN đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tác vào hoạt động sớm nhất có thể. Nhờ đó, kể từ khi cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, số lượng nhà đầu tư tự tìm đến 2 KCN này tăng cao.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, những năm gần đây, KCN Long Khánh và KCN Dầu Giây có doanh thu và lợi nhuận đều vượt cao so với kế hoạch đề ra, đóng góp đáng kể cho hoạt động của Donaruco.

Vẫn còn những rào cản

Là chủ đầu tư hạ tầng của nhiều KCN nhất của tỉnh, tuy nhiên Tổng giám đốc Công ty Sonadezi Phan Đình Thám cho rằng còn nhiều khó khăn, rào cản trong công tác quản lý, BVMT trong các KCN hiện nay. Theo ông Thám, chủ đầu tư hạ tầng không có thẩm quyền, không được phép xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện sai phạm. Trường hợp phát hiện xả nước thải, khí thải sai quy định, đơn vị phải báo cho cơ quan chức năng; quá trình lấy mẫu, phân tích các chỉ số cũng mất nhiều thời gian. Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp lợi dụng trời tối, mưa lớn để xả thải nhưng việc xử lý không nghiêm. Do đó, ông Thám kiến nghị cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý môi trường cần tăng cường công tác hậu kiểm để đảm bảo mọi doanh nghiệp trong KCN đều tuân thủ nghiêm quy định như đã cam kết.

Về tình trạng thiếu vắng các công trình phúc lợi đi kèm trong KCN do vướng thủ tục, cơ chế, Tổng giám đốc Công ty Sonadezi kiến nghị: “Chúng tôi kiến nghị có cơ chế linh hoạt hơn, đơn giản hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN, các thành phần kinh tế khác tham gia làm các công trình phúc lợi trong khuôn viên KCN nhằm đảm bảo sự phát triển công nghiệp bền vững”.

Tổng giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan) Somhatai Panichewa cho rằng, mặc dù có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam, tuy nhiên, Amata Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn không dễ giải quyết. Đó là thủ tục cấp phép và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Theo bà Somhatai Panichewa, những bất cập này đã làm cho Tập đoàn Amata mất đi nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài. “Cơ chế, chính sách thay đổi liên tục, việc thực thi chính sách chưa rõ ràng, chưa nhất quán cũng làm gián đoạn quá trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các KCN do Amata Việt Nam đầu tư”, CEO Amata Việt Nam chia sẻ. 

Ban Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây