Một trong những khó khăn nhất hiện nay của các cơ sở y tế trong tỉnh là thiếu nhân lực y tế. Nhân lực tại các đơn vị trước đây đã thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vị trí việc làm, nay lại càng thiếu hụt trầm trọng do phải bố trí, phân công lực lượng để vừa thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các khu cách ly, Bệnh viện dã chiến, vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân tại cơ sở y tế.
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi
điều trị nội trú tại bệnh viện
372 y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc
Trong năm 2021, toàn ngành y tế có 109 bác sĩ, 125 điều dưỡng, 22 kỹ thuật viên trong biên chế của các đơn vị, 116 nhân viên khác đã thôi việc, nghỉ việc.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, bệnh viện có quy mô 740 giường bệnh. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, bệnh viện bố trí 40% số giường để điều trị bệnh nhi nhiễm Covid-19, cao điểm có khi có tới hơn 300 bệnh nhi F0 điều trị nội trú. Trong năm 2021, toàn bệnh viện có 50 người xin nghỉ việc, trong đó có 20 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, nhân viên hành chính, kỹ thuật viên… Trong điều kiện hiện nay, tất cả nhân viên y tế đều rất quan trọng, không chỉ riêng bác sĩ và điều dưỡng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, lãnh đạo bệnh viện cũng đang rất “đau đầu” khi năm qua có khoảng 100 nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó, 20 bác sĩ nghỉ việc đều đã qua đào tạo, có thâm niên. Mặc dù bệnh viện tiếp nhận mới 30 bác sĩ nhưng các bác sĩ đều mới ra trường, cần phải có thời gian đào tạo, rèn luyện.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, số nhân viên y tế xin nghỉ việc trong năm qua là 124 người. Hầu hết là những bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề, chuyên môn cứng.
Không riêng gì các bệnh viện, nhân lực tại nhiều trạm y tế xã cũng đang rất thiếu, chưa đảm bảo để thực hiện khám, chữa bệnh, triển khai các chương trình y tế quốc gia và phòng, chống dịch bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc là do áp lực công việc quá lớn trong khi thu nhập lại rất thấp. Một số đơn vị thực hiện tự chủ tài chính trong thời gian qua do tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa các bệnh thông thường giảm dẫn đến nguồn thu của bệnh viện giảm. Vì thế mà thu nhập của nhân viên y tế giảm sâu, không tạo được động lực, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên y tế.
Trong năm 2021, nhân viên y tế đối diện với nhiều nguy hiểm khi trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Khẩn trương tìm giải pháp
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, không chỉ các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên mà cả cán bộ, nhân viên khối hành chính, văn phòng đều phải làm việc cật lực, gấp nhiều lần so với trước kia. Vai trò của lực lượng này rất quan trọng đối với sự vận hành của toàn bệnh viện. Nhiều hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, thủ tục liên quan đến mua sắm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… cần được giải quyết khẩn trương, nếu nhân viên hành chính xin nghỉ việc, thôi việc, bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để giữ chân cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên…, theo BS Nguyễn Lê Đa Hà, trước hết cần có chính sách trọng dụng đối với những bác sĩ, nhân viên đã gắn bó lâu năm với bệnh viện. Cần có cơ chế, chính sách để nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Chỉ khi thu nhập đảm bảo đủ trang trải cuộc sống, họ mới có thể an tâm để làm việc, cống hiến và gắn bó lâu dài với bệnh viện.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn đề xuất cần có cơ chế để những bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính được làm một số dịch vụ y tế, vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, vừa để tăng nguồn thu chính đáng cho bệnh viện.
Tại cuộc họp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng giao Sở Y tế có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách để nâng cao thu nhập, giữ chân nhân viên y tế, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay.
Bảo Ngọc