Trong năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó từ các chuyên gia, bệnh viện tuyến trên. Qua đó, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí, thời gian điều trị, chờ đợi. Chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện nhờ đó cũng được nâng lên.
Các chuyên gia ở TP.HCM khám cho bệnh nhân để chỉ định điều trị
Phẫu thuật trật khớp háng bẩm sinh
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương chỉnh hình nhi, được chuyển giao từ TS-BS CKII Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng khoa Nhi, chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Ngay sau khi tiếp nhận, các chuyên gia và các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trật khớp háng bẩm sinh cho bệnh nhi H.N.M.A., 23 tháng tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa.
Anh Hoàng Bình Minh, cha bé M. A. cho biết, từ khi bé bắt đầu tập đi đã có dấu hiệu chân bị khập khiễng một bên cao, một bên thấp. Gia đình rất muốn đưa bé đi kiểm tra sớm để điều trị nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đến cuối tháng 10-2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để kiểm tra được. Rất may mắn khi gia đình đưa con đến bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám rất kỹ lưỡng, chẩn đoán bé bị trật khớp háng bên phải khá nặng và chỉ định thực hiện phẫu thuật sớm.
Theo TS-BS CKII Phan Đức Minh Mẫn, chấn thương chỉnh hình nhi gồm nhiều vấn đề như: dị tật bẩm sinh, chấn thương trẻ em, những bệnh lý về cơ, xương khớp. Đây là chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đầy đủ, phù hợp. Việc chỉnh dị dạng bẩm sinh cho bệnh nhi khá khó. Trung bình mỗi cuộc mổ rất dài, khoảng 3 giờ đồng hồ. Do cuộc mổ lớn nên bệnh nhân mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao, đòi hỏi phải theo dõi sát sau cuộc mổ để đánh giá diễn tiến sau mổ và xử trí kịp thời cũng như tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.
“Trước khi thực hiện ca mổ, các bác sĩ tư vấn cho gia đình tôi rất kỹ. Sau ca mổ, bác sĩ hướng dẫn tận tình cách chăm sóc bé. Gia đình tôi sẽ cố gắng tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để con gái sau này có thể đi lại bình thường như những đứa trẻ khác” – anh Hoàng Bình Minh, cha của bé M.A. nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận kỹ thuật cao được chuyển giao từ các bác sĩ tuyến trên
Đặt dẫn lưu dịch não tủy đường thắt lưng
Trước đó, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã lần đầu tiên triển khai kỹ thuật đặt dẫn lưu dịch não tủy đường thắt lưng để cứu chữa cho bệnh nhân nam 16 tuổi, bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.
BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, người trực tiếp tiếp nhận kỹ thuật này cho biết, bệnh nhân bị một vết thương lõm sọ, phù trán, vết thương đâm vào nhu mô não, rách màng cứng ở vùng trán và sàn sọ, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, truyền dịch, giảm đau, hội chẩn phẫu thuật. Đến khi vào phòng mổ, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, không có cảm giác, rỉ dịch não tủy ra đường tai. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, khâu vá màng cứng và lấy máu tụ. Sau phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhân có cải thiện về tri giác nhưng vẫn còn rỉ dịch não tủy ra đường tai, vẫn phải thở máy và sử dụng thuốc an thần. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp ở bệnh nhân nhỏ tuổi. Để xử lý tình trạng này, bệnh nhân cần phải can thiệp đặt dẫn lưu não tủy đường thắt lưng. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, thủ thuật đặt dẫn lưu đường thắt lưng khá khó, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chưa thực hiện lần nào. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với ThS-BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 để xử lý trường hợp này.
ThS-BS Thanh Cần sau đó đã đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để chuyển giao kỹ thuật này cho các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Các bác sĩ đã dùng một cây kim sắt làm đường dẫn đưa ống nhựa rất nhỏ vào khoang dưới màng cứng đoạn thắt lưng của bệnh nhân để dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài.
BS Thanh Cần cho biết, kỹ thuật này thực hiện ở trẻ em khó hơn nhiều so với người lớn vì cơ thể trẻ nhỏ, việc đưa cây kim và ống dẫn vào bên trong thắt lưng rất khó khăn. Cây kim cũng dễ bị chạm vào các cấu trúc mô mềm bên trong gây chảy máu. Khi chảy máu ở bên trong thì ống dẫn lưu dễ bị tắc. Do đó, để có thể thực hiện kỹ thuật này cần phải có bác sĩ chuyên khoa về ngoại thần kinh nhi, phải có một bộ dẫn lưu thắt lưng gồm: một bộ chứa dịch để đưa dịch ra bên ngoài, cần 1 bộ dụng cụ kim để chọc dò vào tủy sống, một sợi dây dẫn lưu để nối với bịch chứa dịch não tủy. Tất cả hệ thống này cần phải kín, đảm bảo nguyên tắc vô trùng bởi nếu để sơ sót rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng ngược.
Bảo Ngọc