Phát triển kỹ thuật cao giúp nâng tầm bệnh viện

Thứ hai - 24/01/2022 14:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thời gian qua, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp nâng tầm bệnh viện.
0f25cf21efce22907bdf.jpg
Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai
Thực hiện thành công kỹ thuật đặt Stent graft động mạch chủ ngực
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho bệnh viện nhưng các y, bác sĩ đã nỗ lực triển khai được nhiều kỹ thuật cao, khó. Trong đó phải kể đến 2 kỹ thuật trong điều trị bệnh lý tim mạch. Đó là can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý động mạch chủ và bệnh lý mạch máu ngoại biên.
Đầu tháng 1-2022, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt Stent graft động mạch chủ ngực để cứu sống cụ ông N.C., 91 tuổi, ngụ P.Xuân Tân, TP.Long Khánh. Bệnh nhân nhập viện ngày 3-1 trong tình trạng ho ra máu lượng nhiều (khoảng 500ml), được chụp CT Scan, phát hiện bị vỡ phình động mạch chủ ngực xuống vào màng phổi gây ho ra máu. Đây là tổn thương nặng nề và nguy hiểm, thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, bị tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều, có bệnh lý tim mạch kèm theo, nếu không kịp thời xử trí thì bệnh nhân sẽ tử vong. Sau khi có kết quả CT, Hội đồng tim mạch của bệnh viện đã hội chẩn khẩn và chỉ định đặt Stent graft cấp cứu vào động mạch chủ ngực để ngăn vỡ động mạch chủ ngực cho bệnh nhân.
Khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật là bệnh nhân có diễn biến phức tạp. Bệnh nhân ho ra máu một lượng rất lớn ngay trên bàn can thiệp, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của TS-BS Phạm Minh Ánh, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Vạn Hạnh, sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp gây mê hồi sức, các điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa Tim mạch can thiệp, các bác sĩ, phẫu thuật viên của khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch đã thực hiện ca mổ thành công trong thời gian gần 1 giờ đồng hồ.
Theo BS Kiều Minh Sơn, khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân được gây tê tại chỗ và tiền mê nên sẽ tránh được những biến chứng của việc phải gây mê sâu toàn thân (nếu mổ hở), tránh được những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim; không phải thở máy sẽ tránh được những nguy cơ của việc phải thở máy kéo dài như viêm phổi, suy hô hấp sau mổ.
TS-BS.Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, với những trường hợp như bệnh nhân C., trước đây chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là mổ hở. Thực hiện ca mổ hở động mạch chủ ngực xuống rất nặng nề, khó khăn, nhất là những trường hợp bệnh nhân ho ra máu. Vì khi bệnh nhân ho, túi phình viêm lên, dính vào phổi, việc làm sao để gỡ phổi ra khỏi túi phình đã rất mệt mỏi. Tuy nhiên sau này, các bác sĩ có phương án mới là đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ. Đây là cuộc cách mạng trong điều trị bệnh động mạch chủ, đặc biệt là động mạch chủ ngực xuống. Với kỹ thuật này, các bác sĩ không cần gây mê cho bệnh nhân, thực hiện ca phẫu thuật đặt ống ghép nhanh, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao.
“Đây là trường hợp bệnh nhân thứ 2 có ho ra máu và là bệnh nhân thứ 6 được đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ thành công tại bệnh viện trong thời gian ngắn. Trong tương lai gần, khi hội đủ các điều kiện cần thiết, ê kíp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ thực hiện ca mổ độc lập mà không cần sự hỗ trợ của chuyên gia tuyến trên” - TS-BS.Võ Tuấn Anh cho biết thêm.

 

c0a2cf0cefe322bd7bf2.jpg
 Bệnh nhân N.C. bình phục tốt và chuẩn bị được xuất viện
Kỹ thuật cao chữa bệnh lý hiếm gặp
Song hành với sự phát triển của các bệnh viện công lập, trong năm qua, các bệnh viện tư nhân trong tỉnh cũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao.
Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh cột sống, của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã lần đầu tiên ứng dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại để phẫu thuật một bệnh lý phức tạp hiếm gặp cho bệnh nhân L.M.S (31 tuổi, ngụ P.Trảng Dài TP. Biên Hòa).
Bệnh nhân S. cho biết, 7 năm trước, anh bắt đầu có triệu chứng tê chân. Thời gian gần đây, cứ đứng lâu tầm 2-3 tiếng, anh S. lại bị tê chân nhiều, nhất là vào ban đêm. Cảm giác tê nóng rát từ mông phải xuống tới bàn chân dẫn đến mất ngủ, kèm theo teo cơ chân phải, trương lực cơ giảm rõ rệt, tăng phản xạ gân gối và gân gót chân phải. Sau khi đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai thăm khám, bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc chứng mạng màng nhện tủy đoạn D7 - Arachnoid Web. Nếu không được phẫu thuật sớm sẽ tổn thương tủy nặng hơn và rất khó hồi phục.
Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại, ThS-BS Trần Đức Duy Trí, khoa Ngoại thần kinh cùng ê kip của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ dải xơ màng nhện đoạn D7 và gỡ dính màng nhện từ D6-D8 cho bệnh nhân. Dải xơ dày chèn ép làm biến dạng tủy, màng nhện cũng dính vào các rễ thần kinh kế cận từ D6-D8. Qua hệ thống kính vi phẫu hiện đại, tổ chức xơ dính đã được bóc tách cẩn thận ở hai bên và phía trước cho đến khi tủy sống được “tự do”. Các bác sĩ sau đó đã đóng màng cứng, cố định lại bản sống D6-D8 cho bệnh nhân. Sau hơn 5 giờ đồng hồ thực hiện, ca phẫu thuật thành công. Chỉ 1 ngày sau mổ, các triệu chứng chèn ép thần kinh của bệnh nhân đã giảm rõ rệt, ăn ngủ ngon và tinh thần phục hồi khá tốt. 
Việt Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây