Nhằm tìm ra những ý tưởng sáng tạo, có giá trị thiết thực để nâng chất lượng, hiệu quả phong trào Thanh niên tình nguyện, từ năm 2019, Hội Sinh viên tỉnh đã duy trì tổ chức cuộc thi Ý tưởng/giải pháp tình nguyện sinh viên Đồng Nai.
Năm nay, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng Hội Sinh viên cũng đã tổ chức thành công cuộc thi ý tưởng/giải pháp tình nguyện sinh viên năm 2021. Tham gia cuộc thi, nhiều ý tưởng/giải pháp đã hướng đến chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trong tỉnh.
Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên trao giải cho đại diện nhóm tác giả đoạt giải nhất
Chăm lo cho trẻ em khó khăn
Ý tưởng đầu tiên phải kể đến là ý tưởng Green English của nhóm tác giả: Đỗ Thị Xuân Hồng, Võ Quang Hải, Bùi Ngô Như Ngọc, Ma Hàng, Bo Bo Thị Quỳnh Như đến từ Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai. Chị Đỗ Thị Xuân Hồng, đại diện nhóm cho biết, Green English là mô hình giáo dục truyền cảm hứng học tiếng Anh cùng với việc kết hợp truyền đạt kiến thức về bảo vệ môi trường cho thanh thiếu nhi.
Theo đó, ý tưởng Green English sẽ thành lập đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ, giúp đỡ giảng dạy tiếng Anh cơ bản dưới dạng chủ đề trong cuộc sống cho các em thiếu nhi đang sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa của một số huyện. Song song đó, Đội thanh niên tình nguyện Green English cũng sẽ tổ chức hoạt động Ngày thứ Bảy (Chủ nhật) xanh nhằm cung cấp cho các em thiếu nhi kiến thức về phân loại rác; cách xử lý rác; tái sử dụng túi ny-lông làm bầu ươm cây giống, trồng rau sạch, rau mầm; vận động thanh thiếu nhi tham gia trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc… Bên cạnh đó, đội thanh niên tình nguyện Green English sẽ tổ chức hoạt động Team-building với chủ đề Tiếng Anh với môi trường…
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Linh và Nguyễn Thị Ngọc Loan, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai lại đưa ra ý tưởng vận động, tặng sách cũ và tổ chức ôn tập văn hóa hè cho thiếu nhi. Chị Nguyễn Thị Phương Linh cho hay, để thực hiện ý tưởng này cần thành lập 2 đội tình nguyện viên. Một đội sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết nối với tổ chức Đoàn, Đội tại các trường để tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia đóng góp sách cũ; tiếp đến là tổ chức gian hàng để tiếp nhận các loại sách: sách giáo khoa, sách tham khảo, sách kỹ năng sống, truyện tranh thiếu nhi…; tiếp đến là phân loại và trao tặng sách cho thiếu nhi.
Bên cạnh đó, đội còn lại sẽ tổ chức cho các em thiếu nhi ôn tập văn hóa hè, bổ sung kiến thức; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí…
Ngoài ra, một số tác giả, nhóm tác giả còn đưa ra ý tưởng tình nguyện cải tạo cảnh quan trường học bằng các hoạt động tu sửa, vẽ tranh tường, trồng và chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường nhằm tạo sức hút với các em học sinh khi bước vào năm học mới; hoặc tạo cho thiếu nhi mùa trung thu ý nghĩa bằng việc tổ chức làm đèn trung thu từ vật liệu tái chế…
Tham gia bảo vệ môi trường
Bên cạnh các ý tưởng hướng đến chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các tác giả, nhóm tác giả còn đưa ra các ý tưởng/giải pháp hưởng đến việc chung tay bảo vệ môi trường.
Thí sinh Huỳnh Tấn Minh Quang đến từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Long Khánh đã đưa ra ý tưởng với tên gọi Đồng Nai xanh nhằm hướng các hoạt động đến việc bảo vệ môi trường.
Anh Quang cho rằng, ý tưởng tình nguyện Đồng Nai xanh ngoài mục đích tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường còn có những hoạt động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường. Trong đó có việc lồng ghép thu gom rác thải nhựa, phế liệu với chiến dịch Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh; đồng loạt tổ chức Ngày thứ Bảy vì cộng đồng, trong đó có hoạt động thu gom rác thải nhựa, phế liệu; tổ chức đêm nhạc hội, đêm ẩm thực, hội thi Hoa phượng đỏ để quyên góp… Số tiền bán phế liệu và số tiền gây quỹ từ đêm nhạc sẽ dùng để mua cây xanh và phân bổ đều cho các huyện, thành đoàn triển khai trồng tại các khu vực trên địa bàn.
Thí sinh Võ Tấn Khải, sinh viên Trường Đại học Đồng Nai lại có ý tưởng trồng cây dược liệu trên đảo. Ý tưởng này không chỉ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giúp tạo ra khoảng xanh.
Theo chia sẻ của anh Khải, để thực hiện ý tưởng này, đầu tiên phải xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên có kiến thức về cách trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu; hiểu được công dụng và cách sử dụng cả các loại cây dược liệu. Tiếp đến sẽ cùng với người dân trên đảo lựa chọn khu vực trồng phù hợp để triển khai trồng các loại cây dược liệu, trong đó sẽ ưu tiên trồng các loại dược liệu dễ tính. Nhiệm vụ cuối cùng của đội ngũ tình nguyện viên chính là tuyên truyền, hướng dẫn để người dân trên đảo nắm được công dụng của các loại cây dược liệu và cách sử dụng.
Thí sinh Ngô Nguyễn Phát Đạt, sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp Đồng Nai có ý tưởng trồng rau thủy canh ở trên đảo, không chỉ góp phần giúp cho người dân tự tạo nguồn rau xanh phục vụ nhu cầu của gia đình mà phần rau dư không sử dụng hết còn có thể dùng để bán ủng hộ kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Khánh Ngọc